Không để thiếu hàng, “sốt giá”
Để bảo đảm cung ứng hàng hóa những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đã chuẩn bị hàng chục nghìn tấn hàng hoá, nhu yếu phẩm với tổng giá trị 39.000 tỷ đồng, phục vụ người dân Thủ đô dịp cuối năm. “Sắp tới, Sở đẩy mạnh phối hợp với các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đưa nguồn hàng về Thủ đô tiêu thụ”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc phát huy hệ thống phân phối hàng hóa hiện có, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối tại TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh sản xuất, tăng cường nguồn dự trữ hàng hóa. TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp cung ứng nguồn hàng, hình thành thêm các kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá, khan hiếm hàng hóa, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận hàng hóa với chất lượng và giá cả hợp lý trong những tháng cuối năm và thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, tại các siêu thị, trung tâm thương mại luôn có đầy đủ hàng hóa thiết yếu để người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều doanh nghiệp còn đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán 2022.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, BRG Retail đã phối hợp với các nhà cung cấp, dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần các tháng trong năm.
Hệ thống siêu thị Vinmart/ Vinmart+ cũng đã làm việc với các nhà cung ứng, chốt sản lượng cho các mặt hàng chủ lực, lượng hàng tăng 40% - 50% so với lượng bán bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ như bánh kẹo, rượu bia.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc vận hành VinMart Miền Bắc cũng tiết lộ, doanh nghiệp có các chương trình khuyến mại, tăng giá trị giỏ hàng. “Chúng tôi cũng thương thảo với các nhà cung cấp nhằm có giá ổn định trong thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao”, ông Khúc Tiến Hà cho hay.
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hiện đảm bảo dự trữ hàng từ 1-1,5 tháng phục vụ thị trường trong mùa dịch, những tháng cuối năm sẽ tăng mức dự trữ lên gấp 2-3 lần. Các mặt hàng phục vụ Tết được đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định.
Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Lê Trường Sơn khẳng định, hiện nay, các kho trung tâm dự trữ hàng hóa của đơn vị lên đến 600 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng trong 3 - 6 tháng cuối năm. Bên cạnh các điểm bán hàng, Saigon Co.op cũng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, áp dụng rộng rãi trong toàn hệ thống vào những tháng cao điểm cuối năm.
Chống đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu và phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Tại các địa phương, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… thường được giao cho các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường hoặc các doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng. Trong trường hợp xảy ra biến động thị trường, thông qua các doanh nghiệp này, cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện việc điều tiết, kịp thời bổ sung, chi viện hàng hóa giữa các địa phương hoặc các vùng.
Trong trường hợp thực hiện tăng cường giãn cách xã hội khi dịch bệnh lây nhiễm ở cấp độ cao, việc cung ứng hàng hóa được thực hiện qua hệ thống phân phối cùng lực lượng hỗ trợ đi chợ hộ, cung ứng hàng hóa qua các tổ COVID cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động trong chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa; hỗ trợ về nguồn nhân lực bán hàng, giao hàng, kho vận, tài xế cũng như hướng dẫn phương án xử lý trong trường hợp có ca F0 tại cửa hàng, kho hàng.
Với những biện pháp trên, hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Satramart, Big C, Vincomerce, Mega Market, Aeon Việt Nam, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh... duy trì được hoạt động trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch, giữ bình ổn giá hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ chủ động đa dạng hóa các hình thức bán hàng.
“Người dân không nên tích trữ nhiều hàng hóa, đồng thời chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, nhất là luôn chú ý thực hiện yêu cầu 5K và thông điệp của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch”, ông Trần Duy Đông cho hay.
Ở góc độ địa phương, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay doanh nghiệp thương mại đã triển khai thêm các kênh và hình thức bán hàng để tăng nguồn cung, tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa vào dịp cuối năm. Riêng các mặt hàng tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, cá, rau củ quả… đều đã có nguồn cung ổn định tại các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng và vận chuyển về TP Hồ Chí Minh để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cuối năm.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT): QLTT vừa ban hành kế hoạch về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Tổng cục QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội: Thị trường hàng hóa dịp Tết Nhâm Dần 2022 có nhiều điểm khác biệt các năm trước. Cụ thể, hàng hóa đã có mặt bằng giá mới sau khi giá gas, xăng dầu và chi phí đầu vào tăng; sức mua của người tiêu dùng giảm trong bối cảnh dịch phức tạp kéo dài, thu nhập bị cắt giảm... Bởi vậy, dịp Tết này, những mặt hàng thiết yếu sẽ được tập trung lựa chọn như: Gạo nếp, đậu xanh, gà ta, bánh chưng, bánh kẹo… Các bộ, sở, ban, ngành và chính quyền phải tính đến khả năng dịch có thể bùng phát vào đúng dịp Tết, chuẩn bị kho dự trữ hàng hóa cơ động, dã chiến, tổ chức các quầy bán hàng linh hoạt, sáng tạo. Đồng thời, cần đầu tư cho hệ thống chợ dân sinh, tăng cường bán hàng online và offline...
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương): Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nguồn cung hàng hoá cho dịp Tết không quá lo ngại, giá cả không tăng đột biến nhưng dự báo giá thịt lợn có nhiều biến động do dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Việc nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung cũng được tính toán. Vấn đề được nhiều người quan tâm là kết nối cung - cầu, vận chuyển, chợ đầu mối, siêu thị đến người tiêu dùng, làm sao giá cả không tăng quá cao do phải qua nhiều khâu thương lái. Đồng thời cần tránh việc bị đứt gẫy nguồn cung ứng hàng hoá.