Nguồn cung đảm bảo
Theo tổng hợp của Tổ công tác, sản lượng gạo cung ứng của các tỉnh, thành phía Nam từ tháng 8-12/2021 sẽ đạt 7,1 triệu tấn; trong đó, Đông Nam Bộ 540.000 tấn và Đồng bằng sông Cửu Long 6,6 triệu tấn. Tổng nhu cầu gạo tiêu dùng từ nay đến cuối năm là 3,16 triệu tấn; trong đó, Đông Nam Bộ 1,6 triệu tấn và Đồng bằng sông Cửu Long 1,56 triệu tấn. Cân đối cung cầu gạo, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cả Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.
Sản lượng rau, củ sản xuất được từ tháng 8-12/2021 tại các tỉnh phía Nam là 3,18 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong vùng là gần 1,7 triệu tấn. Cân đối cung cầu rau toàn vùng, ngoài việc cung ứng cho người dân, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gần 1,5 triệu tấn rau, củ các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, tổng sản lượng trái cây vùng Nam Bộ từ tháng 9-12/2021 là 1,75 triệu tấn. Chỉ riêng sản lượng thu hoạch trong tháng 9 là 406.000 tấn, các loại cây ăn quả còn sản lượng lớn là thanh long, xoài, chuối, cam, bưởi, nhãn, mít…Với sản lượng thu hoạch lớn, trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.
Về thực phẩm, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng và không có biến động; trong đó, nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm tốt, cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp
nhập khẩu về theo nhu cầu thị trường.
Cụ thể, sản lượng thịt lợn của khu vực Nam Bộ trong tháng 8 là 126.000 tấn (4.200 tấn/ngày); tháng 9 là 120.000 tấn (4.000 tấn/ngày). Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định có thể cung ứng cho các tỉnh khác là Đồng Nai 1.000 tấn/ngày, Bình Dương 415,5 tấn/ngày, Bình Phước 6,4 tấn/ngày. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, khả năng tự cung ứng trong tháng 8 là 76,9 tấn/ngày, tháng 9 là 76 tấn/ngày.
Với thịt gia cầm, tổng sản lượng cung ứng của 19 tỉnh thành phía Nam khoảng 1.800 tấn/ngày; trong tháng 8 là 54.000 tấn, tháng 9 là 50.000 tấn. Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định là Đồng Nai 4,3 tấn/ngày, Bình Dương 127,1 tấn/ngày, Vĩnh Long 120,3 tấn/ngày.
Đối với thịt bò, tổng sản lượng của khu vực khoảng 348,3 tấn/ngày, trong tháng 8 là 10.449 tấn, tháng 9 là 10.000 tấn. Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định là Bến Tre 69,6 tấn/ngày, Tiền Giang 43 tấn/ngày, Vĩnh Long 25 tấn/ngày và nguồn thịt bò nhập khẩu...
Theo đánh giá của Tổ công tác, nhu cầu tiêu thụ của người dân trong giai đoạn giãn cách giảm nhiều so với giai đoạn chưa có dịch xảy ra, do đó với lượng thịt lợn, gà được giết mổ hiện nay vẫn đủ để cung cấp cho người dân.
Duy trì kết nối tiêu thụ
Tính đến ngày 20/8 Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập hợp được 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm với đầy đủ các nhóm mặt hàng, bao gồm rau củ, trái cây, thủy hải sản, lương thực… của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại, doanh nghiệp, ban quản lý chợ.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ trưởng Tổ công tác tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tổ công tác đang thí điểm gói combo 10kg/túi nông sản, được nhiều tỉnh, thành tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ tại tỉnh và người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ, bình quân 10.000 đồng/kg.
Theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về Tp.Hồ Chí Minh là 80.000 túi/tuần (tương đương 800 tấn/tuần). Nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cung cấp có thể tăng lên 120.000-150.000 túi/tuần (tương đương 1.200 - 1.500 tấn/tuần).
Qua báo cáo từ các tỉnh gửi về Tổ công tác, giá lúa tươi hiện nay tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng 7. Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19.
Các địa phương, phối hợp trong việc điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vaccine; tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.
Trong khi đó, thu mua và tiêu thụ trái cây vẫn gặp khó khăn do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến giá bán trái cây thấp. Cụ thể, thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán thấp. Thanh long ruột trắng 2.000 - 3.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay nông dân sản xuất không có lãi và lỗ với những hộ đầu tư thâm canh cao.
Với chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tương đối tốt nhưng các loại chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tại vườn thấp 2.000 - 4.000 đồng/kg. Tiêu thụ trong nước bắt đầu chậm lại do tác động của dịch bệnh. Cây nhãn đang thu hoạch chính vụ, tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua, một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước. Nhãn Eldor tại vườn 8.000 - 10.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng 10.000 - 15.000 đồng/kg. Giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp cũng đang ở mức rất thấp 1.500 - 2.000 đồng/kg và ít thương lái thu mua.
Giá sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Nam cũng đang giảm, cụ thể, thịt lợn hơi 50.000–54.000 đồng/kg (giảm gần 16% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg (giảm 19%). Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường thịt sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới.
Sẵn sàng “phương án 2” cho các “điểm nóng”
Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đang là những địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước và áp dụng triệt để việc giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên nắm bắt nhu cầu lương thực, thực phẩm của các địa phương và phối hợp các ngành lên phương án dự phòng.
Tại Đồng Nai, nhu cầu gạo khoảng 550 tấn/ngày, 16.740 tấn/tháng; nhu cầu rau củ khoảng 775 tấn/ngày, 23.250 tấn/tháng. Tiêu thụ thịt cá các loại khoảng 370 tấn/ngày, 11.160 tấn/tháng; trứng khoảng 1,55 triệu quả/ngày, 46,5 triệu quả/tháng; trái cây khoảng 470 tấn/ngày, 13.950 tấn/tháng.
Từ nay đến cuối năm, Đồng Nai có thể tự cân đối được nhu cầu những loại lương thực thực phẩm cơ bản. Một số sản phẩm có sản lượng lớn, cung cấp cho các tỉnh thành và xuất khẩu như thịt các loại 180.000 tấn, trứng gia cầm 370 triệu quả, trái cây 150.000 tấn.
Tại Bình Dương, nhu cầu gạo khoảng 540 tấn/ngày, 16.200 tấn/tháng; rau khoảng 670 tấn/ngày, 20.100 tấn/tháng. Nhu cầu sản phẩm chăn nuôi hàng ngày khoảng 294 tấn thịt các loại; trong đó, 190 tấn thịt lợn, 74 tấn thịt gà, 30 tấn thịt trâu bò và 930 nghìn trứng gia cầm. Nhu cầu tiêu thụ trái cây khoảng 400 tấn/ngày, 12.000 tấn/tháng.Với năng lực sản xuất hiện tại, Bình Dương đảm bảo khả năng cung ứng thịt các loại nhưng thiếu khoảng 64.000quả trứng gia cầm/ ngày.
Tp. Hồ Chí Minh với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng ngày của Thành phố là rất lớn so với các tỉnh, thành khác; trong đó, nhu cầu gạo khoảng 1.980 tấn/ngày; 59.400 tấn/tháng. Tiêu thụ rau củ quả khoảng 4.200 tấn/ngày; 126.000 tấn/tháng.
Hiện nay, các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đều ngưng hoạt động, các cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm từ thịt cũng giảm công suất, cư dân các tỉnh về quê nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh. Cụ thể, thịt lợn giảm 37%, thịt gà giảm 28%, thịt bò giảm 56%, trứng gia cầm giảm khoảng 20%. Hiện mỗi ngày thành phố tiêu thụ 1,032 tấn thịt các loại, trong đó 475,7 tấn thịt lợn, 475,2 tấn thịt gà, 81,4 tấn thịt trâu bò và 1,8 – 2 triệu quả trứng. Tuy nhiên, Tp. Hồ Chí Minh chỉ tự cung cấp 10% thịt các loại và dưới 5% trứng, còn lại được cung ứng từ các tỉnh lân cận.
Lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh đã cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, Tổ công tác phối hợp với Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng vẫn xây dựng phương án 2, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo cung ứng cho người dân trong những ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Nam Bộ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân công, máy móc nhanh chóng thu hoạch lúa lúa Hè Thu. Đồng thời, khẩn trương xuống giống lúa Thu Đông theo lịch thời vụ. Các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyển, xay xát, chế biến, tiêu thụ nông sản được thuận lợi trong tình hình tuân thủ các quy định về phòng dịch ở địa phương.
Các địa phương tăng cường vai trò của các hợp tác xã, mở các hình thức liên kết trong các chuỗi sản xuất nông sản, hình thành vùng nguyên liệu, kết nối cung cầu của tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương trong thời gian từ nay đến cuối năm và hoàn thiện các liên kết trong thời gian tới.
Địa phương mở rộng liên kết rải vụ thu hoạch nông sản để chủ động cung ứng và hạn chế hiện tượng thừa cung ở một vài thời điểm trong năm, trước mắt là lúa gạo, rau màu, cây ăn trái và thủy sản trong năm 2021.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các địa phương rà soát, triển khai các kế hoạch sản xuất ngành nông nghiệp trong tình hình hiện nay có tính toán đến thời gian bình thường mới, đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí trong tất cả các hoạt động của chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản.