Tuy nhiên, do thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và phương thức canh tác còn lạc hậu nên tình hình phát triển nông nghiệp ở khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, Long An đang thực hiện nhiều giải pháp khắc phục và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
Thu hoạch lúa hè thu ở xã Vĩnh Hạnh, huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN phát |
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, nhằm giảm thiểu đối đa tác hại của thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho người dân, ngành nông nghiệp Long An đã thực hiện nhiều giải pháp như nghiên cứu giống lúa phù hợp, ngắn ngày. Đồng thời, xây dựng cánh đồng lớn cho các loại cây trồng với hệ thống giao thông, tưới tiêu, nhà kho hoàn chỉnh; tập trung xây dựng đê bao và hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh phục vụ sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả…
Đặc biệt, tỉnh Long An cũng đang thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có nội dung xây dựng vùng lúa 20.000 ha tập trung ở các huyện nói trên. Mục tiêu đề ra là thay đổi tập quán sản xuất cho người nông dân, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 90% nông dân trong vùng dự án được tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa theo các quy trình tiên tiến; có 50% diện tích toàn vùng ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác lúa theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; giảm thất thoát trước, trong và sau thu hoạch xuống dưới 10%; đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất; thành lập mới 15 tổ hợp tác, 23 hợp tác xã, củng cố 20 hợp tác xã hoạt động hiệu quả; có 6 hợp tác xã trong vùng đạt chứng nhận VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho gạo đặc sản tỉnh Long An.
Đến nay, sau quá trình triển khai các giải pháp trên bước đầu đã có được những kết quả khả quan. Trong vụ Đông Xuân 2016-2017 và vụ Hè Thu 2017, tỉnh đã thực hiện được 6 mô hình điểm (mỗi mô hình 50ha) ứng dụng tia laser để san bằng mặt ruộng; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất; 100% diện tích sử dụng giống xác nhận, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm nấm xanh, chế phẩm Sumitri... Ngoài ra, còn có 13 mô hình trình diễn phương pháp canh tác 3 giảm 3 tăng. Kết quả cho thấy mô hình ứng dụng công nghệ cao thu lợi nhuận từ cao hơn ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Văn Nghiệp, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng cho biết, trước đây, việc sản xuất lúa vẫn theo phương pháp truyền thống với năng suất chỉ đạt khoảng 6,5 tấn/ha, từ khi được hướng dẫn ứng dụng một số kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất đã giúp tăng năng suất lên khoảng 8 tấn/ha.
Theo ông Võ Minh Quang, xã Hưng Thạnh, Tân Hưng, trước đây, nếu sản xuất thông thường thì sạ lúa dày, sử dụng nhiều giống hơn so với mô hình ứng dụng công nghệ cao. Bây giờ áp dụng hình thức cấy lúa bằng máy, giảm nhiều giống. Mật độ lúa thưa, dễ kiểm soát sâu bệnh mà năng suất vẫn cao hơn, thương lái thu mua giá cũng cao hơn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc người nông dân còn tâm lý e ngại trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chưa hào hứng tham gia và các hợp tác xã, tổ hợp tác… Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc, Hợp tác xã Gò Gòn (huyện Tân Hưng, Long An) cho biết: “Hiện nay, trong nông nghiệp không còn cách nào khác hơn là người dân phải liên kết lại thì mới có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên, cái khó là đa số nông dân còn xa lạ về cơ giới hóa nên hợp tác xã phải nỗ lực hướng dẫn, vận dụng thực tế để nông dân ứng dụng công nghệ cao”.
Để đảm bảo cho Chương trình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười được thành công, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho hay, các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh tuyên tuyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, vận động người dân tham gia và các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng hợp tác trong các khâu của quá trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả… Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm lúa chất lượng cao; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu.
Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng mô hình 2.900 ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ tiên tiến với các nội dung như ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; cơ giới hóa đồng bộ các khâu; sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học; sử dụng giống xác nhận; được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP... Trên cơ sở đó, các huyện lựa chọn nội dung để triển khai nhân rộng diện tích ra toàn vùng, đảm bảo đến năm 2020 có thêm 17.000 ha được nhân rộng.
Mô hình nuôi cá nước ngọt giúp người dân tăng thêm thu nhập. Trong ảnh: Ao cá của anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Thuận Nghĩa Hòa, Thạnh Hóa. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN |
Ông Lê Văn Hoàng cho biết thêm, ngoài việc phát triển vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, đối với những vùng trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, lũ lụt sẽ thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.
Từ năm 2014, tỉnh Long An đã thực hiện Chương trình khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở các các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Theo đó, đã hỗ trợ cho hơn 2.100 mô hình nuôi trồng thủy sản với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Nhiều tổ hợp tác đã được thành lập như tổ hợp tác sản xuất giống, tổ hợp tác kinh doanh thức ăn - thuốc thú y… Sản lượng và diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên, đến nay ở các huyện đồng Tháp Mười có hơn 1.700 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng hàng năm đạt hơn 21.000 tấn.
Ông Võ Văn Dỡn, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa cho biết: "Từ khi có chính sách hỗ trợ, các hộ dân trong vùng đã thực hiện nuôi thâm canh các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá lóc, cá trê, ba ba, lươn... Người chăn nuôi được hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn chuyển gia ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất nên năng suất, sản lượng các loài thủy sản được nâng lên, đặc biệt thời gian nuôi được rút ngắn, từ đó giúp người dân nâng cao lợi nhuận".
Còn ông Phạm Hoàng Anh, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa chia sẻ: "Hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sảnở vùng Đồng Tháp Mười đang mang lại hiệu quả cho nhiều nông dân. Hiện tại, ở địa phương, nghề nuôi cá trê vàng đang phát triển, đem lại thu nhập cao. Gia đình tôi có khoảng 500m2nuôi cá trê vàng; 1 năm nuôi được 2 vụ. Trung bình mỗi vụ, lãi khoảng 30-40 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, để định hướng phát triển bền vững ngành thủy sản vùng Đồng Tháp Mười, trước mắt sẽ đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng tập trung (trên các diện tích ao, vùng đất ven sông với các đối tượng nuôi chủ lực như cá tra, rô phi đơn tính, cá lóc, trê và tôm càng xanh. Đồng thời, phát triển nuôi cá mùa lũ với mô hình nuôi lồng bè trên các sông, kênh theo hướng bảo vệ môi trường với các đối tượng có giá trị kinh tế như cá lóc, điêu hồng, bống tượng và mô hình nuôi cá-lúa kết hợp.
Về lâu dài, tỉnh định hướng phát triển nuôi thủy sản với nhiều loại hình nuôi trên các vùng sinh thái, đa dạng hóa với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo chiều sâu.
Các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng Đồng Tháp Mười bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng cao, đời sống người dân càng được nâng lên. Từ đó, góp phần đưa vùng đất trũng của Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh vươn lên.
Bài 3: Chuyển đổi sản xuất theo hướng “chung sống với lũ”