Đề nghị sớm có phương án giảm phí BOT dự án Thái Nguyên – Chợ Mới

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công vừa ký công văn hỏa tốc đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có văn bản chính thức gửi Bộ Giao thông Vận tải về phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đã thống nhất với nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Theo đó, để sớm triển khai thu phí dịch vụ hoàn vốn, đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản chính thức gửi Bộ Giao thông Vận tải về phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đã thống nhất với nhà đầu tư.

Trạm thu phí BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: dantri.com.vn

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện có liên quan và thành phố Thái Nguyên phối hợp với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, thống kê cụ thể các phương tiện thuộc đối tượng được giảm giá dịch vụ theo phương án đã thống nhất.

Đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan có liên quan tuyên truyền để người dân hiểu rõ, ủng hộ và tuân thủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về chủ trương dự án.

Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước khó khăn, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn, Bộ Giao thông Vận tải (đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 5136/VPCP-KTN ngày 09/7/2014. Bộ đã phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 3002/QĐ-BGTVT ngày 7/8/2014 và dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 5/2017.

Theo phương án hoàn vốn đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Bắc Kạn và Bộ Tài chính, dự án sử dụng 2 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km72+930) và trên Quốc lộ 3 hiện tại (Km77+922) để hoàn vốn.

Để hỗ trợ người dân khu vực lân cận trạm thu phí dịch vụ, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên và Nhà đầu tư xây dựng phương án giảm giá dịch vụ, hỗ trợ các phương tiện của người dân khu vực lân cận trạm, nhà đầu tư phải thống nhất với địa phương và các bên liên quan về phương án giảm giá dịch vụ đối với các phương tiện của người dân có hộ khẩu thường trú tại khu vực lân cận trạm trước khi triển khai thu phí dịch vụ.

Theo báo cáo của nhà đầu tư (Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc) tại văn bản số 13012/LD-ĐT ngày 28/10/2017, nhà đầu tư đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất phương án giảm giá dịch vụ cho các phương tiện của người dân có hộ khẩu thường trú tại các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa và thành phố Thái Nguyên. UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản số 3498/UBND-CNN ngày 17/8/2017 báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về phương án giảm giá dịch vụ.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông Vận tải chưa nhận được văn bản chính thức của UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án giảm phí dịch vụ để xem xét, hoàn thiện thủ tục triển khai thu phí dịch hoàn vốn cho dự án.

Theo đại diện liên danh, sau 6 tháng kể từ ngày đưa công trình vào khai thác, việc thu phí dịch vụ hoàn vốn vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận đã khiến nhà đầu tư rất khó khăn.

Cụ thể, tính đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa có bất kỳ doanh thu nào để hoàn vốn, trong khi vẫn phải trả nợ lãi vay ngân hàng (khoảng 16 tỷ đồng/tháng), chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp dự án và chi phí bảo dưỡng thường xuyên (khoảng 0,7 tỷ đồng/tháng). Tính tổng cộng, trong khi chờ đợi được thu phí dịch vụ, liên danh nhà đầu tư đã phải chi trả khoảng 160 tỷ đồng. Gánh nặng sẽ tăng lên khi từ tháng 11/2017, doanh nghiệp dự án sẽ bắt đầu phải thanh toán nợ gốc cho các ngân hàng tài trợ vốn.

“Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu các vướng mắc liên quan đến quyền thu phí dịch vụ không được giải quyết sớm”, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) liên quan đến khó khăn tài chính của nhà đầu tư khi dự án đã hoàn thành nhưng chưa được thu phí.


Quang Toàn (TTXVN)
Bộ Giao thông Vận tải xử lý bất cập các dự án BOT
Bộ Giao thông Vận tải xử lý bất cập các dự án BOT

Hiện nay, việc rà soát, xử lý các bất cập của các dự án BOT và sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang được Bộ Giao thông Vận tải xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN