Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát. Ảnh: Quách Lắm/TTXVN |
“Hiện Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) có gần 480.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân; trong đó, gần 80.000 hộ cán bộ, công chức, viên chức và 13.000 hộ dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị là không đủ điều kiện bồi thường hoặc bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại. Ngoài ra, còn có khoảng 300.000 hộ (tương đương 1,21 triệu người) nhập cư có nhu cầu thuê nhà ở xã hội. Diện hộ thu nhập thấp trên địa bàn cũng đang có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội rất lớn”. Đây là thông tin được đại diện Sở Xây dựng TP HCM đưa ra tại buổi tọa đàm “Nhà ở xã hội, thực trạng, dự báo và giải pháp” tổ chức ngày 28/9.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, giai đoạn 2016–2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất hơn 140ha với quy mô hơn 44.700 căn và phấn đấu hoàn thành khoảng 30.000 căn trong năm 2016; trong đó, hiện đã có 8 dự án khởi công với hơn 4.200 căn, và 12 dự án đã được chấp thuận đầu tư (gần 12.000 căn) và 19 dự án đã công nhận chủ đầu tư hoặc chủ trương đầu tư.
Để đạt được chỉ tiêu đề ra, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố giao UBND các quận huyện vùng ven rà soát quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất sạch cho xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; đồng thời cho phép hoán đổi quỹ đất công có diện tích lớn hơn 1ha lấy quỹ đất nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê đối với các đối tượng không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thuộc các dự án chỉnh trang đô thị hoặc di dời ven kênh rạch.
Sở Xây dựng cũng tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội; điều chỉnh lãi suất vay mua nhà ở xã hội ở mức từ 3% đến 3,5%/năm, thời hạn cho vay tối thiểu 20 năm, ân hạn cho người vay chưa phải trả lãi từ 6 tháng đến 3 năm.
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đề xuất phương án huy động vốn để triển khai chính sách nhà ở xã hội, đồng thời kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí khoảng từ 500 tỷ đến 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Đại diện HoREA cũng kiến nghị Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường trình TP HCM phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, để hình thành các khu đô thị vệ tinh dành cho người có thu nhập thấp và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn.
Theo kiến nghị của Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, thành phố cần tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được tiếp cận các dự án, nắm thông tin thực tế về việc các chủ đầu tư cần xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội; hệ thống tín dụng cần nâng cao hơn nữa mức vốn cho vay, hỗ trợ lãi suất, kéo dài thời gian vay.
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Nam Long – Chủ đầu tư nhà ở xã hội dòng EhomeS đề xuất việc hình thành cơ quan quản lý phát triển nhà cấp quốc gia và thiết lập các kênh tài chính, tiết kiệm nhà ở theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, công bố giá bán cam kết nhà ở xã hội. Để tạo điều kiện khích lệ doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước cần khấu trừ chi phí bảo toàn vốn và phát sinh trong quá trình đền bù (để có quỹ đất sạch) ở mức khoảng 50% đến 60% đơn giá nhà đất tại thời điểm phê duyệt dự án.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, giai đoạn 2006–2010, trên địa bàn thành phố chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội và cũng đã hoàn thành 118 căn nhà, giai đoạn 2010–2015 đã hoàn thành 10 dự án với gần 3.800 căn nhà. Về việc bố trí nhà ở xã hội thì đối với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, kể từ lúc thực hiện chính sách (năm 2008) đến nay, thành phố đã chấp thuận cho 569 đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở. Đối với nhà ở xã hội được xã hội hóa đấu tư, thành phố cũng đã duyệt mua cho hơn 7.500 đối tượng được mua nhà ở.