Tại hội nghị đại diện ngành nông nghiệp các địa phương có vùng nguyên liệu sắn lớn như: Gia Lai, Tây Ninh, Đăk Lăk, Bình Thuận, Phú Yên (mỗi địa phương có diện tích trồng sắn trên 23.000 ha) tỏ ra khá lo lắng và nêu ra các khó khăn trong công tác dập dịch và khống chế dịch của từng địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Duy Ân cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến tình trạng dịch khảm trên cây sắn lây lan nhanh là do nông dân tiếp tục tái canh cây sắn ngay trên diện tích đất canh tác cũ và mầm bệnh giống cây từ vụ trước chưa được xử lý triệt để.
Trong khi đó, việc vận động người dân tiêu hủy sắn bị nhiễm khảm lá trên 70% gần như không có kết quả, vì mức hỗ trợ cho ngành nông nghiệp hiện nay là quá thấp (chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha khi tiêu hủy) so với mức vốn người dân đã bỏ ra là hơn 30 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Duy Ân kiến nghị, Chính phủ, Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân nhắc đưa cây sắn vào danh mục cây công nghiệp để người dân khi tiêu hủy sắn sẽ nhận được mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/ha; lúc đó công tác vận động người dân tiêu hủy sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sẽ có hiệu quả hơn.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu về cây trồng cũng đề xuất một số giải pháp như: khi xảy ra dịch bệnh nặng, cần tiêu hủy ngay nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng; đồng thời, luân canh cây trồng và giảm diện tích trồng sắn trên địa bàn; nhập khẩu các giống sắn có khả năng kháng bệnh cao; nâng mức hỗ trợ đối với các hộ nông dân buộc phải tiêu hủy do nhiễm bệnh nặng…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện việc dập dịch, tuyệt đối không được sử dụng lại các loại giống sắn có mầm bệnh để tái sản xuất; tổ chức rà soát và kiểm soát chặt chẽ nguồn giống trong thời gian sắp tới. Cụ thể, những đồng sắn bị nhiễm nặng phải vận động người dân tiêu hủy để xử lý nguồn bệnh, tránh lây lan ra diện rộng; đồng thời, tạm thời chuyển đổi cây trồng phù hợp trên các diện tích đất nhiễm bệnh, để xử lý triệt để nguồn dịch bệnh còn lưu trên đất.
Đối với các địa phương có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá cần nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá trên cây sắn các cấp để chỉ đạo, giám sát quyết liệt các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương vào cuộc; hướng dẫn nông dân, người sản xuất khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc dập dịch và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để.
Tính đến tháng 10/2018, bệnh khảm lá trên cây sắn đã xuất hiện, gây hại vùng nguyên liệu sắn ở 12 tỉnh, thành trong cả nước, với tổng diện tích nhiễm bệnh là 41.981 ha/ 224.539 ha và có mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất là tại Tây Ninh với gần 98% diện tích sắn bị nhiễm bệnh.