Ngày 8/11 hàng năm là Ngày Đô thị Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2008, trên cơ sở xem xét vai trò ý nghĩa của đô thị đối với sự phát triển chung của quốc gia, cũng như hưởng ứng Ngày Quy hoạch đô thị Thế giới và Ngày Đô thị hóa Thế giới, với mục tiêu thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển đô thị.
Ngày 8/11 cũng là ngày hội lớn, ngày vui của các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị và của mọi người dân cùng gặp gỡ, chia sẻ những suy nghĩ, lan tỏa thông điệp, hành động để xây dựng ngôi nhà chung đô thị nhằm có được môi trường sống chất lượng, văn minh, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị nói riêng và quốc gia nói chung.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.
Tuy nhiên, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị, trở thành đề bài để tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa thời gian tới như: Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết 06-NQ/TW đặt ra, các cơ quan liên quan cần liên tục tổng kết thực tiễn trên cơ sở bối cảnh địa phương, đặc biệt trong bối cảnh phát triển và thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động của dòng chảy cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, những vấn đề rủi ro, thiên tai không báo trước.
Do vậy, cùng với sự kiện thường niên Ngày Đô thị Việt Nam, Diễn đàn Đô thị Việt Nam 2023 ngày 8/11 là cơ hội để các chính quyền đô thị các địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, kết nối các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148 của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra để phát triển đô thị đất nước giai đoạn mới.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu rõ các định hướng hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam, trong đó yêu cầu đối với chính quyền đô thị tại địa phương cần phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa. Phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế xã hội.
Đối với công tác quản lý phát triển đô thị, các cơ quan liên quan chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm. Riêng đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị và chủ động có những đề xuất, tham vấn, đóng góp với các cơ quan có liên quan tại địa phương và Trung ương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định “đô thị hóa là tất yếu, là động lực của phát triển đô thị”. Với tỷ lệ đô thị hóa đến tháng 9/2023 là 42%, cả nước còn nhiều dư địa để phát triển đô thị. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho phát triển đô thị hiệu quả trong thời gian tới, để đô thị thực sự phát huy vai trò mà Bộ Chính trị đã chỉ ra, đóng góp vào chất lượng sống của cộng đồng và là gia tăng những giá trị thặng dư mới cho phát triển kinh tế, xã hội, môi trường nói chung.