Đọng vốn tại các Ban quản lý dự án
Đến hết tháng 10/2019, Bộ GTVT giải ngân được 9.405 tỷ đồng, tương đương 35,7% kế hoạch giải ngân (26.322 tỷ đồng). So với dự kiến giải ngân đã xây dựng, kết quả giải ngân đạt thấp hơn dự kiến 5.731 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn cần giải ngân còn "đọng" tại các Ban quản lý dự án (PMU) là rất lớn, khoảng 16.917 tỷ đồng. Ví dụ, PMU Thăng Long (còn 1.848 tỷ đồng), PMU7 (còn 1.850 tỷ đồng), PMU6 (1.355 tỷ đồng), PMU Đường sắt (1.130 tỷ đồng), Tổng công ty Cửu Long (902 tỷ đồng), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (1.090 tỷ đồng), Tổng cục Đường bộ VN (985 tỷ đồng)…
Theo Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), nguyên nhân là do hầu hết các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa thực hiện được công tác chi trả đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB); các dự án đường bộ cấp bách sử dụng vốn ngân sách 15.000 tỷ đồng, dự án ODA sử dụng vốn dư (dự án cầu yếu giai đoạn 2, kênh nối Đáy - Ninh Cơ dự án WB6) chưa xong thủ tục đấu thầu xây lắp hoặc chưa ứng hợp đồng…
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch đầu tư phân tích, thực tế trên chủ yếu đến từ phần vốn bố trí cho GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam (7.062/26.322 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng kế hoạch vốn đã được giao 2019 của Bộ GTVT) chưa thể giải ngân được trong 9 tháng đầu năm. Đây là điều khác biệt so với các năm trước, khi vốn kế hoạch chủ yếu giao cho những dự án đang triển khai thi công, chỉ cần có khối lượng là giải ngân được ngay, còn 11 dự án cao tốc Bắc - Nam hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu, chủ yếu là thiết kế kỹ thuật và GPMB và phải trải qua quy trình rất nghiêm ngặt với “rừng” trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công và các nghị định liên quan mới có thể giải ngân.
Luật Đầu công và Nghị định 77/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cũng nêu rõ, một dự án chỉ được bố trí vốn kế hoạch đầu tư hàng năm khi dự án đó có trong danh mục đầu tư công trung hạn và dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư. Dự án khởi công mới chỉ được bố trí vốn sau khi đã hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của Chính phủ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, Bộ GTVT đã chuyển cho 14 tỉnh thực hiện công tác GPMB cho cao tốc Bắc - Nam khoảng 4.000 tỷ đồng. Đến nay, chỉ có tỉnh Bình Thuận đã giải ngân được khoảng 800 tỷ đồng và đang có nhu cầu xin thêm, còn lại các tỉnh khác giải ngân vẫn chậm. Bên cạnh đó, nguồn vốn tồn đọng thứ 2 là chưa giải ngân tại 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018.
Điều chuyển lãnh đạo dự án chậm giải ngân
Chỉ còn khoảng 2 tháng kết thúc năm2019, nhưng số lượng vốn giải ngân còn tới 17.000 tỷ đồng, vì thế, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo các PMU cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án trọng điểm. “Theo Luật Đấu thầu, khi chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu và nhà thầu thực hiện bảo lãnh hợp đồng, chủ đầu tư được phép cho tạm ứng 20% giá trị gói thầu cho nhà thầu. Do đó, các Ban PMU Hồ Chí Minh, PMU7 và Sở GTVT Ninh Bình phải tập trung rà soát lại công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng để tạm ứng cho các nhà thầu, khi đó 3 dự án này sẽ giải ngân được một khoản vốn lớn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Liên quan đến 14 dự án giao thông cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 10 dự án đường bộ hiện đã khởi công dự án nâng cấp QL30, các dự án còn lại như: QL57, QL53, Quản Lộ - Phụng Hiệp… cũng đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Đối với 10 dự án này, các chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu 20% là giải ngân ngay được 1.600 tỷ đồng. Còn lại 4 dự án đường sắt cấp bách (khoảng 7.000 tỷ đồng), các ban quản lý dự án phải hoàn thiện dự án đầu tư để triển khai xây dựng trong năm nay.
Để đẩy nhanh công tác giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã ký văn bản yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, đôn đốc tiến độ thi công và giải ngân các dự án do Bộ GTVT quản lý trong 4 tháng cuối năm 2019. Các chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu lập tiến độ thi công chi tiết đối với các hạng mục, khối lượng công việc còn lại của dự án; huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu, làm tăng ca, tăng mũi thi công để triển khai đáp ứng tiến độ; đồng thời, rà soát tổng thể tình hình nghiệm thu thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành đối với từng gói thầu, dự án…
“Các PMU phải giải ngân đạt từ 95% kế hoạch trở lên, lãnh đạo ban mới được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với những ban đạt dưới 95% , toàn bộ ban giám đốc của ban quản lý dự án đó sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và Bộ GTVT sẽ xem xét điều chuyển cán bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.