Điều này đã đặt ra những thách thức cho ngành tài chính trong việc điều hành giá phải thận trọng nhằm tránh lạm phát kỳ vọng trong thời điểm dịch bệnh, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2021, giá cả ở Việt Nam có nhiều yếu tố làm tăng CPI. Đáng lưu ý nhất là giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tăng trở lại khi dịch COVID-19 trên thế giới dần được khống chế, các loại vaccine COVID-19 được tiêm chủng trên diện rộng và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Học viện Tài chính dự báo, nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ có biến động trong năm 2021, do đó chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng cao hơn năm 2020, song bình quân cả năm cũng chỉ ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính nhận định, năm nay, một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, bất thường có yếu tố tăng, giảm. Nhóm mặt hàng thiết yếu; trong đó có thịt lợn, cũng rất quan ngại nếu như không thể kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, một số mặt hàng theo lộ trình sẽ được điều chỉnh trong năm nay. Kịch bản có tăng giá hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế-xã hội. Việc chủ động các giải pháp trong điều hành của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế là rất quan trọng để kiểm soát giá cả các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết và bão lũ cực đoan... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân...
Ngoài ra, điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình như dịch vụ công (y tế, giáo dục). Đặc biệt, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn hết sức phức tạp cần phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm điều hòa cung cầu, từ đó mới kiểm soát tốt được lạm phát.
“Tất cả đều là áp lực đối với điều hành giá năm 2021”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố liên quan đến dịch bệnh, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch, đặc biệt tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không… dự báo còn gặp nhiều khó khăn nên nhìn chung mặt bằng giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động lớn.
Do đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần phải dự báo cả khó khăn và thuận lợi để có biện pháp và kịch bản điều hành cho phù hợp.
Theo đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí; quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ tết.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết, trong dịp giáp hạt của người dân và các hàng hóa, vật tư y tế phòng, chống dịch.
Đồng thời, có các giải pháp điều hành cụ thể với các mặt hàng như mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu vừa tính đến yếu tố thị trường, vừa kết hợp với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành.
Đối với mặt hàng điện, cần đánh giá kỹ yếu tố chi phí tác động đến giá thành để xem xét mức độ ảnh hưởng đến giá điện để có kịch bản điều hành. Ngoài ra, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần nỗ lực hơn để tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải kiểm soát giá cả thị trường theo chức năng, nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền cũng rất quan trọng, để nắm bắt tình hình thị trường cũng như chủ trương chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh lạm phát kỳ vọng”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nền kinh tế bắt đầu trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới sau đại dịch COVD-19, nên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh việc xây dựng và điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xác định giá hàng hóa, dịch vụ cho các loại hình của dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội theo đúng lịch trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá và lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, Bộ Tài chính cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Bộ Tài chính phải chủ động dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Mặt khác, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.