Doanh nghiệp bán lẻ nội địa đối mặt với nhiều thách thức

Trong những năm gần đây, sự "đổ bộ" ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ lớn của quốc tế vào Việt Nam giúp người dân được tiếp cận với kênh bán lẻ hiện đại, giá cả cạnh tranh, phong phú, đa dạng về sản phẩm.

Điều này đã và đang làm cho các nhà bán lẻ Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức và dần để mất thị phần vào tay các tập đoàn lớn nước ngoài nếu không đổi mới tư duy trong quản trị, quy mô, vốn để nâng cao sức cạnh tranh.

Người tiêu dùng cho mua sản phẩm rau, củ, quả có dán tem truy xuất nguồn gốc tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

"Đuối" đủ đường

Với quy mô đầu tư 110 tỷ USD năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Những thương hiệu nổi tiếng về bán lẻ như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)… đã không còn xa lạ đối với người tiêu dùng ở các đô thị lớn. Có thể thấy, sự “đổ bộ” của các tập đoàn bán lẻ lớn đã tạo sự sôi động cho thị trường bán lẻ Việt Nam, giúp người dân được tiếp cận với kênh bán lẻ hiện đại.

Theo sự phân tích của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bán lẻ trong nước vừa yếu về vốn, quy mô lại nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã đuối lại càng thêm đuối. Vì vậy, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài càng có lợi thế vượt xa và nhanh chóng thâu tóm thị trường. Để tồn tại, doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn lực chuyên sâu... nhằm tìm hướng đi riêng và nâng sức cạnh tranh.

Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, doanh số bán ra tại một điểm bán lẻ của khối doanh nghiệp nước ngoài cao gấp 7 - 8 lần so với doanh số một siêu thị nội địa.

Theo Ban kinh tế ngân sách HĐND thành phố Hà Nội, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang mô hình trung tâm thương mại nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập và nó cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Cụ thể như tiến độ cải tạo, xây dựng đối với các chợ đã thực hiện chuyển đổi còn chậm do thiếu vốn hoặc năng lực doanh nghiệp còn hạn chế. Hoạt động kinh doanh của các chợ nằm trong công trình hỗn hợp (chợ - trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng cho thuê…) vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng được với tình hình thực tế.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, thu nhập giảm dẫn đến thói quen mua sắm của người dân cũng thay đổi, chỉ tập trung cho các hàng hóa thực sự thiết yếu. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, phát triển tự phát, không đồng đều, nhất là các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng... tập trung chủ yếu vào khu vực nội thành nơi có nhiều lợi thế về thương mại. Ở khu vực ngoại thành, sức mua thấp, thói quen mua sắm tại hệ thống thương mại hiện đại hạn chế nên khó mời gọi được các doanh nghiệp đầu tư.

Tăng khả năng cạnh tranh

Để tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, Hà Nội cũng đã đưa ra nhiều chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt hỗ trợ các khóa học nâng cao kỹ năng quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới... Tuy nhiên sự cố gắng để nâng cao khả năng cạnh tranh phải ngay từ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SaiGon Co.op), Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tập đoàn Phú Thái... không ngừng phát triển hệ thống, áp dụng công nghệ mới.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, hệ thống Co.opmart đang chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ như thanh toán tự động ở phân khúc cao, phát triển phục vụ đa kênh. Ngoài bán lẻ theo phương thức truyền thống, bán hàng qua kênh truyền hình, Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online. Dự tính đến năm 2019 cụm này sẽ được đưa vào hoạt động.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C Việt Nam chia sẻ, với hệ thống siêu thị Big C, tương tác qua mạng cộng đồng là bước đi chậm nhưng chắc để lắng nghe ý kiến phản hồi từ người tiêu dùng. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá thay đổi yêu cầu của khách hàng so với trước đây.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ trên địa bàn nhằm mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp; chủ trì phối hợp với các đơn vị đề xuất thành phố đầu tư, cải tạo lại các chợ đã xuống cấp trầm trọng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ và tăng cường thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistic trên địa bàn, trọng tâm là 2 dự án tại huyện Sóc Sơn và huyện Phú Xuyên.

Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Cùng với đó là triển khai các khóa đào tạo, lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp kỹ năng quản lý, bán hàng, phát triển thương hiệu, ứng dụng công nghệ mới... để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

P.A (TTXVN)
Thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt
Thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt

Để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp bán lẻ nội phải thay đổi tư duy quản lý, quản trị; nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trang bị máy móc…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN