Doanh nghiệp đề nghị không dán tem bia

Dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công Thương đang gây tranh cãi ở quy định sản phẩm bia phải dán tem. Đại diện các doanh nghiệp (DN) bia, cũng như giới chuyên gia cho rằng việc dán tem này sẽ tiêu tốn khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng, trong khi không cần thiết phải làm như vậy.

Tăng chi phí cho DN và người tiêu dùng

Các hãng bia đang phản đối quy định này. Trong đó, đa phần các ý kiến đều cho rằng, việc dán tem khiến DN phải điều chỉnh lại công nghệ, máy móc sản xuất, mua tem… gây tốn kém khoản tiền không nhỏ.

Đóng gói bia lon tại Nhà máy bia Đại Việt (Thái Bình).
Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Theo ông Trần Đình Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), việc dán tem bia về mặt kỹ thuật sẽ gây nhiều khó khăn cho sản xuất, vì phải đầu tư rất nhiều cho máy móc dán tem. Trong khi đó, việc lắp đặt rất khó vì mỗi dây chuyền có công suất, tốc độ khác nhau. “Các công ty sản xuất thiết bị dán tem bia rất ít do trên thế giới chỉ có 3-4 nước áp dụng dán tem bia như Albani, Thổ Nhĩ Kỳ… Bởi thế, mức độ cung cấp các dịch vụ cũng như giải quyết các sự cố khi máy móc có trục trặc là điều rất khó khăn”, ông Thanh chỉ ra.

Đầu tháng 11, VBA đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong đó đề nghị bỏ quy định dán tem bia. Theo thông tin mà phóng viên báo Tin Tức có được, Bộ Công Thương đang xin lùi thời hạn trình dự thảo lên Thủ tướng, chờ đến khi Quốc hội thông qua Luật Ðầu tư (sửa đổi) vì theo luật này, rượu và đồ uống có cồn là ngành kinh doanh có điều kiện (hiện nay ngành này vẫn chưa phải là ngành kinh doanh có điều kiện).

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia Sài Gòn cũng cho rằng, để dán tem bia thì yếu tố kĩ thuật rất quan trọng. “Dán tem phải chuẩn xác 100%. Máy dán tem phải tích hợp cùng dây chuyền đóng lắp lon, nếu không chuẩn là ảnh hưởng đến cả dây chuyền và gây lãng phí rất lớn”, ông Tuất cho biết.

Về số tiền phải bỏ ra nếu thực hiện dán tem bia, ông Tuất tính toán riêng với bia Sài Gòn sẽ tốn 920 tỷ đồng/năm (trung bình 696 đồng/lít bia). Chi phí này người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu, còn các DN thì chật vật hơn trong kinh doanh. Còn ông Trần Đình Thanh cho biết, dán tem bia sẽ tăng chi phí sản xuất kinh doanh bia thêm 600-700 đồng/chai. “Dán tem làm giá thành tăng lên. Nếu phải áp dụng dán tem thì sẽ xảy ra hai trường hợp: Một là DN sẽ giảm lợi nhuận, dẫn đến thu ngân sách giảm. Hai là phải tăng giá, khi đó ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, ông Thanh lo ngại.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát (VBA) đánh giá: Đầu tư thiết bị để dán tem bia sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỉ đồng của DN để mua tem, bảo dưỡng, khấu hao máy móc và quản lý tem hằng năm. Đó là chưa kể đến những tiêu cực có thể phát sinh khi áp dụng quy định này, bởi đã dán tem thì sẽ có cơ quan cấp phát tem, và DN sẽ phải phụ thuộc vào cơ quan này để có tem dán lên sản phẩm.

Chưa cần thiết áp dụng

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, việc dán tem bia để quản lý hàng giả, hàng lậu, truy nguồn gốc và quản lý thuế (như lí giải của cơ quan soạn thảo nghị định) là không thực tế. “Việc dán tem bia không hiệu quả và tạo sức ép không đáng có lên DN. Các DN đều đã được quản lý tốt nên việc trốn thuế cũng như làm giả gần như không có. Khâu sản xuất bia cũng mang tính công nghiệp cao, các sản phẩm đều được đánh mã, rất dễ truy nguồn gốc mà không cần dùng đến tem”, ông Việt cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật S&B đã đề nghị bỏ điều 8 về dán tem trong dự thảo nghị định, vì hiện nay đã có quy định gắn nhãn hàng hóa. Trong đó, việc gắn mã số, mã vạch đã đảm bảo quy định nhãn hàng hóa rồi nên không cần đưa thêm quy định về dán tem.

Trước đây, quy định dán tem đã được thực hiện với mặt hàng rượu, tuy nhiên không đạt hiệu quả do tem bị làm giả rất nhiều và người tiêu dùng không thể phân biệt được. Nhiều mặt hàng khác như đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, thuốc lá… cũng đã có quy định dán tem, tuy nhiên hiệu quả không được như mong đợi. Hàng lậu vẫn tràn lan trên thị trường. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc kĩ trước khi đưa ra quy định dán tem với bia, mặt hàng có sản lượng lên đến 3 tỷ lít/năm, để tránh gây lãng phí cho DN cũng như xã hội.

Hoàng Dương

Nếu dán tem bia, mỗi năm mất 2.000 tỷ đồng
Nếu dán tem bia, mỗi năm mất 2.000 tỷ đồng

Tại hội thảo góp ý về dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 12/11, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra rất băn khoăn về quy định dán tem đối với mặt hàng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN