Mặc dù có hơn 70% dân số gắn bó, đóng góp đến 20% vào GDP, nhưng nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua vẫn lạc hậu, manh mún, sản xuất nhỏ lẻ… Thực tế này khiến các doanh nghiệp dù rất tâm huyết đầu tư cũng phải e dè trước những trở ngại.Nhiều khó khănMuốn đầu tư vào ngành nông nghiệp thì trước tiên doanh nghiệp (DN) phải có đất. Hiện nay mặc dù ở khu vực nông thôn nhưng để có một quỹ đất lớn, đủ cho nhu cầu của DN cũng không phải là chuyện dễ dàng. Theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, khó khăn lớn nhất khiến các DN e ngại là sự phân tán, quy mô nhỏ, nên khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.
Diện tích trồng chè đến kì thu hoạch của Công ty TNHH trà - cà phê Tâm Châu (Lâm Đồng). Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
Từ thực tế hoạt động của đơn vị mình, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco (Thái Bình) chia sẻ, hiện nhiều nơi nông dân bỏ ruộng rất nhiều, nhưng DN chẳng thể nào đàm phán được với hàng nghìn hộ nông dân một lúc để tập hợp được đất sản xuất. Đây là vấn đề nan giải, cần đến sự tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Do đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc địa phương cấp đất cho DN sẽ ngày càng khó khăn. Thay vào đó, hình thức DN liên kết với nông dân thông qua các tổ chức sản xuất như hợp tác xã sẽ dần thay thế. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Nhiều nơi tuy đã áp dụng nhưng không thành công. Tâm lý cũ, thói quen sản xuất lạc hậu là trở ngại khiến việc liên kết không thành.
“Biến nông dân thành những người công nhân nông nghiệp là một hướng rất tốt hiện nay. Chúng tôi có nhiều dự định lập dự án liên kết sản xuất với nông dân, nhưng họ vẫn khư khư giữ đất và cách làm cũ bởi họ không tin nếu liên kết với DN thì sẽ hiệu quả hơn”, ông Tiền phân trần.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp năm 2014 chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số DN cả nước, đa phần là DN có quy mô vốn nhỏ (50% số DN có vốn dưới 5 tỉ đồng). |
Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp còn thiếu chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn cũng khiến DN chưa mặn mà đầu tư. “Có DN than phiền họ không được miễn thuế cho dù đó là DN áp dụng công nghệ cao vào trồng hoa, chiết xuất collagen từ sụn cá tra. Lại có DN sản xuất nước chanh leo tại Nghệ An phải chịu chi phí trong 3 năm vận chuyển nguyên liệu từ Tây Nguyên về Nghệ An mà không được hỗ trợ gì”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ thực tế của DN.
Nhận định về hiện trạng đầu tư của các DN vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, ông Ngô Tiến Dũng cho rằng, các DN đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu là do nông dân tự đứng ra làm chủ, hoạt động không hiệu quả. Vốn ít, áp dụng công nghệ cũ, sử dụng trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chế biến và kho tàng cất giữ nông sản rất sơ sài... Họ lại thiếu cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh. Chính sách ưu đãi hầu như không có hoặc nếu có cũng khó triển khai áp dụng.
Đẩy mạnh hợp tác công tưTheo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam hiện nay là nhu cầu ngày càng cao của thế giới về các sản phẩm bền vững như chè, cà phê, gạo… Để giải quyết vấn đề này, cần đẩy mạnh mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP), nghĩa là nhà nước và DN cùng hợp tác để thu hút nhiều DN tham gia, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
“Bộ NN&PTNT đã khởi động chương trình đối tác công tư từ năm 2011 và hiện nay đang triển khai trên các lĩnh vực gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hạt tiêu, gia vị… Mô hình này đã chứng tỏ nhiều lợi ích như năng suất tăng, thu nhập tăng, tiết kiệm nước và giảm phát thải cacbon”, ông Doanh nói.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã cam kết hỗ trợ phát triển hạt cà phê Việt Nam. Tính đến cuối năm 2014, dự án Nescafe Plan đã chuyển giao 7 triệu cây giống và tổ chức tập huấn cho 24.000 nông dân trồng cà phê tại những vùng trồng cà phê trọng điểm tại Tây Nguyên. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hướng dẫn kinh doanh cà phê bền vững. Hay đối với mặt hàng chè, dự án hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Công ty Unilever trong khuôn khổ chương trình Phát triển chè Việt Nam triển khai từ đầu năm 2014 sẽ hỗ trợ cho 30 nhà máy chè tại Việt Nam và 19.000 nông hộ trồng chè quy mô nhỏ. Mục tiêu của dự án là nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh của chè nguyên liệu Việt Nam và tăng lượng chè đen xuất khẩu lên 30.000 - 35.000 tấn.
“Ở Việt Nam, các DN vẫn cho rằng đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao bởi lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm” Ông Ngô Tiến Dũng |
Thứ trưởng Doanh cho biết, thời gian tới, các mô hình PPP sẽ được nhân rộng. Dự kiến năm 2017, có khoảng 500.000 hộ nông dân tham gia vào các chương trình PPP trong lĩnh vực nông nghiệp. Mối liên kết này sẽ góp phần gia tăng đáng kể năng suất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững, cần nâng cao năng lực các DN lớn, có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, có chương trình hỗ trợ các hộ nông dân tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. “Trong quá trình hội nhập của Việt Nam thì các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ sẽ dễ bị tổn thương nên Nhà nước cần hướng dẫn họ cách thức liên kết với DN lớn chứ không phải là chuyển giao ruộng đất cho DN và tách rời nông dân khỏi ruộng đất. Hiện nay, VCCI đang triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi nông sản tiêu chuẩn toàn cầu”, ông Lộc cho biết.