Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay hội nhập

Thời gian qua, Chính phủ đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại quan trọng, mở ra con đường hội nhập thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.

“Tuy nhiên càng hội nhập sâu thì thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa càng lớn khi vừa phải xoay xở tồn tại, vừa phải chống chọi trên “sân nhà” mà giờ là “sân chơi” chung của nhiều quốc gia, ngành hàng”, TS Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa nói.

Áp lực cạnh tranh

Hiện, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 96% số doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng quy mô, năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (TCTK) cho hay, mặc dù số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong 8 tháng năm 2015 đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 6.290 doanh nghiệp (trong đó phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng) nhưng vẫn còn 39.056 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Dây chuyền may hàng xuất khẩu của Công ty May Hưng Yên.


Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh của DNNVV được các chuyên gia kinh tế đánh giá là do hoạt động manh mún, quy mô nhỏ, quản trị yếu, công nghệ lạc hậu, khó tiếp cận thị trường, nguồn vốn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chính phủ đã ký nhiều hiệp định, trong đó đáng kể là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sắp tới sẽ là những FTA thế hệ mới với một loạt các đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU… được ký kết.

“Thông qua việc thực thi các cam kết, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, có một thực tế lo ngại là dường như những lợi ích lớn từ những hiệp định, thỏa thuận thương mại này chưa được hiện thực hóa được bao nhiêu. Ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong khi đó, thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Dường như doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả”, ông Tuấn trăn trở.

“Do các Hiệp định giữa các nước ASEAN đã ký với Trung Quốc nên hàng Việt Nam phải cạnh tranh với giá và chất lượng hàng hóa của Trung Quốc. Đây là thách thức lớn nhất. Nhà nước đã có nhiều chính sách thông qua nhiều cơ quan tổ chức từ Trung ương tới địa phương nhưng chưa có đơn vị làm đầu mối tổng thể. Do nguồn lực có hạn, việc hỗ trợ bị dàn trải cho 500.000 DNNVV nên hiệu quả đến từng doanh nghiệp không cao. Luật DNNVV lại chưa ra đời”. Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV

Đồng tình quan điểm này, đại diện Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, sức ép cạnh tranh ngày càng quyết liệt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trở thành hiện thực vào cuối năm 2015 kéo theo 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN được xóa bỏ. Trong khi hàng hóa Việt Nam đang khó cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc, Thái Lan.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái lo lắng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ra sao sau năm 2015 nếu những rào cản về kiểm tra nhu cầu kinh tế cho các nhà đầu tư ngoại bị gỡ bỏ? “Cùng với sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường, các sản phẩm hàng hóa Việt Nam sẽ không còn chỗ đứng trong các quầy siêu thị. Để đưa hàng vào siêu thị, không ít doanh nghiệp sản xuất sẽ phải chịu yêu cầu của nhà phân phối như: Hỗ trợ trưng bày, vốn, đổi hàng, lưu kho, khuyến mãi”, đại diện Phú Thái e ngại.

“Vừa rồi xuất khẩu trái cây, hàng nông sản của Thái Lan vào Việt Nam tăng mạnh. Từ 1/1/2016, thuế suất bằng 0% mà doanh nghiệp Thái đã mua chuỗi siêu thị Metro ở Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu là hai FTA mới nhất vừa được ký kết. Theo đó, nhóm phải chịu sức ép khi mở cửa trước tiên là các sản phẩm sắt thép.

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, bà Ninh Thị Bích Thùy - Tổng Giám đốc Công ty thép TVP cho biết: Việc vừa phải chống chọi với thép Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ, vừa phải đối mặt thách thức từ các FTA khiến doanh nghiệp thép nói chung rất nản. Doanh nghiệp đang phải cố gắng tự bươn chải, tìm cách mở rộng xuất khẩu để duy trì doanh số. Nếu doanh số giảm hoặc doanh nghiệp bị lỗ, ngân hàng sẽ không cho vay nữa hoặc sẽ thu hồi nợ.

Lờ mờ thông tin hội nhập

Các FTA có tác động hai mặt, một mặt giúp doanh nghiệp nội địa mở rộng thị trường, mặt khác các doanh nghiệp phải đối phó với sản phẩm các nước tràn vào.

Lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, hiện có 80% thành viên của Hội là DNNVV và gần như doanh nghiệp không tiếp cận được các thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. “Thời gian qua, một thành viên của Hội nhập máy làm bánh từ Nhật Bản nhưng do không biết rõ cam kết về cắt giảm thuế trong hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản nên không làm giấy chứng nhận xuất xứ nên vẫn chịu thuế suất 10% thay vì hưởng thuế suất ưu đãi 0%”, đại diện Hội Lương thực thực phẩm nói.

Theo một số chuyên gia kinh tế, phần lớn sự hiểu biết của các DNNVV về hội nhập còn chưa có hệ thống. Doanh nghiệp không biết sẽ phải làm cái gì, làm từ đâu và làm như thế nào? Họ không biết thị trường thế giới đòi hỏi những gì, các quy định về tiêu chuẩn và chất lượng, kể cả những điều cần tránh, trước những rủi ro pháp lý trong thương mại.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng: Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 76% doanh nghiệp không biết gì về AEC sẽ được thành lập cuối năm nay. Trên 60% số doanh nghiệp cho rằng, AEC không ảnh hưởng gì đến mình. Nhận thức của doanh nghiệp thì như vậy, còn nhận thức của cán bộ Nhà nước về hội nhập cũng rất lơ mơ.

Tuy nhiên trong lúc này, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ, bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp cũng phải tự cập nhật thông tin về các ưu đãi thuế quan trọng để giúp ích cho chính hoạt động của doanh nghiệp, tránh những thiệt thòi không đáng có.

Ông Minh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Minh Tâm chuyên sản xuất rau quả sạch (Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh)

Khi xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng cần giúp các DNNVV biết được thông tin, nhu cầu cụ thể, từ đó giúp các doanh nghiệp, hiệp hội điều tiết nguồn cung, từng bước hạn chế tình trạng dồn ứ hàng. Riêng doanh nghiệp cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm các quy định an toàn, chất lượng để rau sản xuất ra mang lại giá trị kinh tế cao; tăng cường đầu tư, liên kết để phát triển quy mô, diện tích rau quả sạch.

Ông Trần Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước:

Xuất khẩu chính ngạch vẫn là kênh cơ bản giúp tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Vì thế, Nhà nước cần phải có hướng giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới trong xuất khẩu qua các kênh ngoại giao, xúc tiến thương mại. Về phía các doanh nghiệp chế biến không nên quá tập trung xuất khẩu mà cũng cần phải khai thác mạnh cả thị trường trong nước. Lâu nay một số doanh nghiệp đã bỏ mặc thị trường nội địa để thương hiệu nước ngoài thao túng. Bây giờ quay lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn.

Lê Nghĩa


Lê Nghĩa
Xây dựng lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh
Xây dựng lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sỹ Kiêm nhận định: Kinh tế năm 2015 tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có những tín hiệu tích cực. Các Hiệp định song phương, đa phương ký kết đang tạo luồng khí mới cho nền kinh tế. Hội nhập càng sâu sẽ có nhiều cái khó. Nhưng khó không có nghĩa là không thể thực hiện được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN