Theo ông Kiêm, vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết hiện nay là nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm, giá cả hợp lý thì sản phẩm mới tiêu thụ được, không bị hàng ngoại lấn át. Mặc dù nguồn vốn không còn là số 1 đối với doanh nghiệp nhưng với mức lãi suất trung và dài hạn vẫn cao, khoảng 9% và khó vay thì giá bán hàng của DNNVV vẫn kém hấp dẫn. “Để doanh nghiệp làm ăn lâu dài, đầu tư các dự án hiệu quả, nhiều năm thì việc cần nguồn vốn ổn định là điều hết sức cần thiết. “Hiện, các ngân hàng chủ yếu khuyến khích cho vay ngắn hạn. Lãi suất vay vốn trung và dài hạn của Việt Nam đành rằng vẫn phải cao hơn thế giới nhưng chỉ ở mức 7% là hợp lý”, ông Kiêm kiến nghị.
Đại diện Hiệp hội DNNVV cũng đề xuất giải pháp cần tăng cường đào tạo chất lượng tay nghề cao của doanh nghiệp, tiếp thu công nghệ sản xuất tiên tiến của các nước thì mới nâng cao sức cạnh tranh. Bởi Việt Nam đang thiếu trầm trọng những nhà quản lý giỏi, những nhà hoạch định chính sách hay những nông dân, công nhân lao động có trình độ tay nghề cao. Đặc biệt, phải kiên trì chống buôn lậu, chặn hàng ngoài tràn vào nhằm triệt phá hàng hóa trong nước.
“Nói đến hội nhập, nhiều người hay phê doanh nghiệp bị động, thiếu quan tâm, tính cạnh tranh yếu… nhưng nói vậy chưa đủ vì vấn đề chính là bộ máy Nhà nước có sẵn sàng thúc đẩy nền kinh tế và khối doanh nghiệp hội nhập đầy đủ hay không”, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.
Hỗ trợ thông tin gắn với trách nhiệm Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI, vấn đề thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập cần được chú trọng, đặc biệt phải công khai minh bạch, gắn trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan trong việc nhanh chóng, kịp thời các nội dung cam kết FTA tới người dân, doanh nghiệp. |
Đồng tình quan điểm này, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, về thể chế hiện nay, các Luật Thuế, Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hay Phá sản giờ vẫn chưa được phổ biến, áp dụng thực tế mà vẫn làm theo cái cũ. “Đến giờ Luật Đầu tư, Thông tư hướng dẫn vẫn nằm trên bàn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT. Hiện nay, riêng cấp giấy kinh doanh có điều kiện hay các loại giấy phép con mà Bộ KHĐT thống kê có tới 5.000 - 7.000 loại. Tôi cho rằng, chỉ dừng ở mức 2.000 loại”, ông Kiêm nói.
Theo Tổng Giám đốc điều hành CEO Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), thời gian qua, Việt Nam đã tập trung nỗ lực để có thể hội nhập kinh tế quốc tế và cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là với Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là một lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh. Nếu tính trung bình theo thông lệ các nước thì Việt Nam cần có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh tốt, kinh doanh hiệu quả.
“Để làm được điều này, Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng - không phải bằng biện pháp hành chính mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Điều chỉnh cơ cấu tín dụng của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV. Thứ hai, xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ DNNVV, hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; hỗ trợ về mặt hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ “mở” thành lập hoạt động tại Việt Nam; đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam yên tâm làm ăn chân chính”, ông Thành đề xuất.