Từ 0h ngày 1/4, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng giảm giá tất cả mặt hàng xăng, trong khi tăng mạnh giá dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít về 27.309 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.039 đồng/lít còn 28.153 đồng/lít. Trong khi đó, dầu hỏa tăng 1.519 đồng, lên 23.764 đồng một lít, dầu diesel lên 25.080 đồng một lít, tăng 1.447 đồng.
Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty vận tải Cường Thắng - chuyên vận chuyển hàng tuyến Bắc - Nam cho hay, các doanh nghiệp vận tải kỳ vọng với mức giảm của thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng dầu sẽ giảm mạnh hơn nữa. Mức tăng - giảm xăng dầu như vừa qua thực sự không có nhiều tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh vận tải vẫn tiếp tục khó khăn, nhiều xe phải "đắp chiếu" nằm chờ...
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Vận tải Kim Phát ngán ngẩm khi nói đến mức điều chỉnh giá xăng dầu.
Ông Thanh cho hay, xe container sử dụng nhiên liệu dầu với khoảng 40% trong chi phí giá vận chuyển. Từ giữa năm 2021 đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 50%, tương ứng mỗi chuyến xe chi phí tăng hơn 500.000 đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá cước theo mức đó mà chỉ có thể tăng từ 5 - 7%.
Các doanh nghiệp vận tải đều chia sẻ, nếu tăng giá cước mạnh chắc chắn sẽ mất khách, nhưng nếu không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ thì với đà tăng của giá xăng dầu hiện nay doanh nghiệp càng chạy càng thua lỗ.
Anh Trường Sơn, lái xe tuyến Hà Nội - Nội Bài cho hay: "Hiện nay, giá xăng vẫn ở mức cao nên thu nhập cũng không còn được bao nhiêu. Tăng giá cước lên thì mất khách. Nhiều anh em đã phải cho xe nằm nhà vì thu không đủ bù chi phí".
Theo ông Bùi Danh Liên, chuyên gia Hiệp hội Vận tải Hà Nội, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đang rất lo lắng khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao. Xe nằm bãi nhiều hơn. Có những đơn vị buộc phải giảm tuyến, chuyến vì thu không đủ bù chi. Nếu giá xăng dầu tiếp tục neo cao và xu hướng tăng tiếp, doanh nghiệp vận tải sẽ không thể cầm cự được.
"Những tác động từ dịch bệnh COVID-19 suốt thời gian qua đã khiến doanh nghiệp điêu đứng, không có nguồn thu, trong khi chi phí cho xét nghiệm lái xe, xăng dầu tăng mạnh như vừa qua khiến doanh nghiệp chật vật để tồn tại. Với đà này, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp buộc phải bán xe, thậm chí phá sản", ông Bùi Danh Liên nói.
Bộ Công Thương cho hay, theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, kỳ điều hành lần này thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm từ 700 - 2.000 đồng/lít/kg tùy loại (trong đó xăng E5RON92 giảm 1.900 đồng/lít, xăng RON95 giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel và dầu mazut giảm 1.000 đồng/lít/kg, dầu hỏa giảm 700 đồng/lít), nhưng do giá xăng dầu thế giới, nhất là giá các loại dầu có mức tăng cao nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phải sử dụng kết hợp công cụ Quỹ BOG xăng dầu ở mức hợp lý (điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu) để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với mức tăng của giá thế giới.
"Nếu thuế bảo vệ môi trường như mức cũ, giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành này sẽ tăng từ 1.069 - 2.789 đồng/lít/kg (cụ thể xăng E5RON92 tăng 1.069 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.161 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.547 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.789 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.606 đồng/lít)", Bộ Công Thương nêu rõ.
Giá xăng giảm nhẹ khi giá dầu tăng khiến cho giá cả hàng hóa trên thị trường trong hai ngày 2 - 3/4 cũng không có nhiều biến động so với thời điểm cuối tháng 3.
Tại chợ Mơ - Hà Nội, giá cà chua vẫn ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg; dứa quả 10.000 đồng/quả; bắp cải từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; cải xoong từ 13.000 - 15.000 đồng/mớ. Rau ngót, rau cải cũng tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/mớ và được bán 8.000 - 10.000 đồng/mớ.
Ngoài các mặt hàng rau xanh, giá thịt lợn, cá, tôm cũng không biến động nhiều so với tháng 3. Thịt nạc vai được bán với giá 130.000 - 150.000 đồng/kg; nạc mông từ 110.000 - 120.000 đồng/kg; thịt sấn từ 100.000 - 110.000 đồng. Giá gà ta nguyên lông bán từ 120.000 đồng đến 140.000 đồng/kg. Giá ốc nhồi vẫn ở mức cao 150.000 - 160.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Ngọc Long, đầu mối bán ốc tại chợ Mơ cho biết, rất khó để giá ốc nhồi có thể giảm trong bối cảnh các chi phí đều tăng như hiện nay. Mọi năm giá ốc nhồi chỉ lên cao vào thời điểm Tết, nhưng năm nay đến tháng 4 rồi mà giá vẫn không giảm. Nhiều mối nhà hàng, quán ăn đã buộc phải dừng nhập ốc nhồi, ốc mít vì giá neo cao quá lâu, bán không có lãi.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, hiện tại, việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường phần nào giúp hạ nhiệt giá xăng. Nhưng về lâu dài, cần có các giải pháp cải cách để điều hành xăng dầu đúng với cơ chế thị trường, tránh tình trạng điều hành "nửa vời" như hiện nay. Có thể tiến tới bỏ định giá theo chu kỳ, chuyển theo hướng doanh nghiệp tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường", ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và có chiến lược tiết kiệm. Cùng đó là các giải pháp về tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối trong trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm. Đó là những công cụ, dư địa có thể can thiệp nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên.