Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Theo đại diện Công ty CP Xe khách Phương Trang, doanh nghiệp có hơn 2.000 chuyến xe khách hoạt động nhiều tuyến trên cả nước). Trước, trong và sau Tết hàng năm là thời gian cao điểm nhất của vận tải hành khách và là dịp để doanh nghiệp bù đắp doanh thu cho những thời gian thấp điểm. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 3 vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2021 vừa qua, đã khiến doanh nghiệp "lao đao", vì chưa kịp hồi phục sau 2 đợt dịch trong năm 2020.
Hai tháng đầu năm, số chuyến xe của doanh nghiệp giảm 65%, lượng hành khách/chuyến xe cũng chưa đạt 50% so với cùng kỳ và tiếp tục suy giảm. Riêng dịp Tết Tân Sửu, doanh nghiệp vẫn phải duy trì lương, thưởng cho hơn 7.000 nhân viên để giữ việc, duy trì xe chạy... mặc dù dịch đã từng bước được kiểm soát, nhưng công ty đã bị thiệt hại tới cả nghìn tỷ đồng trước đó. Doanh nghiệp đang mong mỏi Sở GTVT các địa phương xem xét giảm các loại phí ra vào bến xe để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì tuyến.
Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty Mai Linh vùng I cho biết, đợt dịch thứ 3 bùng phát đúng thời điểm trước Tết Tân Sửu tại các địa bàn trọng điểm Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, doanh thu của công ty đã giảm đến 70% trong 2 tháng qua. Chưa kịp ổn định sau 2 đợt dịch cũ, hiện nay, doanh thu sụt giảm mạnh đang khiến doanh nghiệp làm không đủ trả nợ ngân hàng. Song, đến thời điểm vẫn này chưa thấy động thái hỗ trợ nào từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chỉ mong được chính sách miễn giảm từ 3 - 6 tháng đóng BHXH; hoãn, giãn nộp thuế trong 6 tháng tới...
Còn Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cũng không khỏi "bết bát". Doanh nghiệp chỉ có 65 đầu xe, nhưng hiện chỉ có 20% số xe duy trì hoạt động cầm chừng. Riêng dịp Tết Tân Sửu, sản lượng vận tải hành khách giảm 70 - 80%, càng chạy càng lỗ. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất, khi dịch bệnh được kiểm soát, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp phục hồi.
Đối với đường sắt, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn chia sẻ, chỉ tính riêng tiền hành khách trả vé dịp Tết của 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn đã trên 80 tỷ đồng, trong khi doanh thu dịp Tết chưa được 30% so với cùng kỳ năm 2020, buộc 2 đơn vị phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm tàu khách, tiết giảm chi phí; đồng thời, phải tạm hoãn nhiều hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương... Hai công ty kiến nghị được giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm đến 70%, khiến không ít phải sáp nhập để tiết giảm chi phí. Còn ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) chia sẻ, gần như tất cả các lĩnh vực vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt dịch COVID-19 vừa qua. Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung giải quyết những vướng mắc và tổng hợp, kiến nghị Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.
"Phao cứu sinh"
Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 11/TTr-BTC ngày 22/1/2021 về việc phê duyệt chủ trương xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế áp dụng năm 2021. Trong đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua chính sách giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Dự kiến số tiền thuế các loại được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.
Dự kiến, gia hạn thuế VAT trong 5 tháng đối với số thuế VAT phải nộp từ tháng 1 đến tháng 6/2021 khoảng .800 tỷ đồng; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý I-II của kỳ tính thuế TNDN năm 2021 trong 3 tháng khoảng 40.500 tỷ đồng; gia hạn thuế VAT và thuế TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh đến trước ngày 31/12/2021 khoảng 1.300 tỷ đồng...; đối với các lĩnh vực sản xuất phổ biến ở mức 3 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 4,2 - 6%/năm.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch,Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, trước thực tế trên, việc Bộ Tài chính đã nhanh chóng tham mưu trình Chính phủ, tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó bao gồm toàn bộ các đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh phải nộp thuế như: Gia hạn, giãn hoãn tiền thuế... cho doanh nghiệp năm 2021 là giải pháp tích cực giúp doanh nghiệp có điều kiện về vốn lưu động tạm thời được sử dụng trong thời gian chậm trả để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong khi chờ chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước và sau khi "thấm đòn" từ 3 đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải đường bộ cần tự nỗ lực tái cơ cấu, đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, chấp nhận sống chung, thích ứng để phát triển cùng dịch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp làm việc với cộng đồng các doanh nghiệp trong các ngày 1-2/3 để tổng hợp ý kiến, tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo ban hành các chính sách hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thời gian tới.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2021.