Taxi hoạt động tại thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Với
chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40 - 45% giá thành vận tải nên việc giá
xăng tăng 5 lần liên tiếp với mức tổng cộng khoảng 2.000 đồng/lít đang
tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nếu như trước đây, giá xăng dầu tăng lên 5%, các doanh nghiệp vận tải đã xem xét để điều chỉnh mức cước để bù đắp chi phí. Nhưng hiện nay, giá xăng đã tăng hơn 10%, giá dầu khoảng 8,5%, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang cố "gồng mình" tiết giảm chi phí.
Ông Minh cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn bởi nhiều khoản thuế, phí nên giá xăng tăng khiến họ phải cân nhắc việc tăng giá cước. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể để cạnh tranh với các đơn vị như Uber, Grab.
Còn theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, đúng là các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép không nhỏ khi giá xăng tăng. Doanh nghiệp muốn tăng cước cũng phải cân nhắc mức tăng sao cho hợp lý bởi sẽ tác động đến tâm lý người tiêu dùng và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đó là chưa nói đến mức phí để thực hiện tăng, giảm giá xăng là rất lớn từ những thủ tục kê khai, chi phí kiểm định lại đồng hồ, thay giá cước mới…
Giá xăng tăng mạnh, đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng đến mức thu nhập đầu tiên phải kể đến những lái xe. Theo anh Nguyễn Mạnh Quân, lái xe taxi hãng Phù Đổng, giờ cạnh tranh với các lái xe của Grab đã khó do họ có nhiều chương trình khuyến mãi; thuế và phí cầu đường vẫn ở mức cao, nay giá xăng liên lục tăng mạnh thì anh em lái xe sẽ rất khó khăn.
Đại diện doanh nghiệp Taxi tại Hà Nội, ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng Taxi Hương Lúa cho biết, giá xăng dầu đã tăng đáng kể, mặc dù gặp khó khăn về kinh doanh, lợi nhuận, nhưng chúng tôi chưa có ý định tăng cước bởi lẽ phải cạnh tranh với taxi công nghệ như Uber, Grab.
Việc tăng giảm giá xăng và cạnh tranh là quy luật của thị trường, doanh nghiệp vận tải buộc phải chấp nhận. Chúng tôi đang cố gắng tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, duy trì mức cước; đồng thời phải thuê phần mềm công nghệ ứng dụng để gọi xe, tính cước…, ông Sáu nói thêm.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng thừa nhận, thực tế doanh nghiệp rất muốn tăng giá cước, nhưng việc điều chỉnh cụ thể sẽ được tính toán kỹ lưỡng bởi giá xăng không ổn định. Trong khi mỗi lần điều chỉnh tăng giá cước, doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí và thủ tục phức tạp…