‘Đòn bẩy’ giúp doanh nghiệp vận tải đường bộ phục hồi

Áp lực trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì dịch COVID-19 đang khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải lo lắng, vì vốn tích lũy đều đã sử dụng để duy trì hoạt động. Năm 2021 dự báo sẽ còn khó khăn hơn, đây là lúc các doanh nghiệp cần sự “tiếp sức” của Nhà nước để phục hồi.

Lao đao

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh, ông Nguyễn Duy Ninh, 5 năm trước dù gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn gắng gượng nhờ có vốn tích lũy. Nhưng ứn phó với dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, doanh nghiệp đã kiệt quệ. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới Tân Sửu 2021, các chuyến xe xuất bến từ Hà Nội đi Lạng Sơn và ngược lại của nhà xe Ninh Quỳnh đã vắng khách, chuyến đông chỉ lác đác được vài người. Lượng khách hiện tại chỉ đạt khoảng 10%, thậm chí xe rỗng vẫn phải chạy.

Đại diện Công ty CP Xe khách Phương Trang, doanh nghiệp có hơn 2.000 chuyến xe khách hoạt động nhiều tuyến trên cả nước). Hai tháng đầu năm, số chuyến xe của doanh nghiệp giảm 65%, lượng hành khách/chuyến xe cũng chưa đạt 50% so với cùng kỳ và tiếp tục suy giảm. Riêng dịp Tết Tân Sửu, doanh nghiệp vẫn phải duy trì lương, thưởng cho hơn 7.000 nhân viên để giữ việc, duy trì xe chạy... mặc dù dịch đã từng bước được kiểm soát, nhưng công ty đã bị thiệt hại tới cả nghìn tỷ đồng trước đó.

Chú thích ảnh
‘Đòn bẩy’ giúp doanh nghiệp vận tải đường bộ phục hồi.

Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty Mai Linh vùng I cho biết, đợt dịch thứ 3 bùng phát đúng thời điểm trước Tết Tân Sửu tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, doanh thu của công ty đã giảm đến 70% trong 2 tháng qua. Chưa kịp ổn định sau 2 đợt dịch cũ, hiện nay, doanh thu sụt giảm mạnh đang khiến doanh nghiệp làm không đủ trả nợ ngân hàng. Doanh nghiệp chỉ mong được chính sách miễn giảm từ 3 - 6 tháng đóng BHXH; hoãn, giãn nộp thuế trong 6 tháng tới.

Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cũng không khỏi "bết bát". Doanh nghiệp chỉ có 65 đầu xe, nhưng hiện chỉ có 20% số xe duy trì hoạt động cầm chừng. Riêng dịp Tết Tân Sửu, sản lượng vận tải hành khách giảm 70 - 80%, càng chạy càng lỗ. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất, khi dịch bệnh được kiểm soát, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp phục hồi…

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm đến 70%, khiến không ít doanh nghiệp phải sáp nhập để tiết giảm chi phí. Còn ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) chia sẻ, gần như tất cả các lĩnh vực vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt dịch COVID-19 vừa qua.

“Đòn bẩy”

Trước những khó khăn của doanh nghiệp vận tải đường bộ, Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, Tổng cục đã kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời tiếp thu, thống kê những vướng mắc doanh nghiệp vận tải các địa phương, bến xe đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp tháo gỡ.

“Tổng cục vừa tham mưu Bộ GTVT gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay như: Giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi (trong số này Nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%), áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng”, bà PhanThị Thu Hiền cho hay.

Ngoài ra, Tổng cục cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư 112/2020 đến hết ngày 31/12/2021; Thông tư 74/2020 đến hết ngày 31/12/2021 và các chủ đầu dự án BOT miễn, giảm phí BOT trong thời gian có dịch và xem xét chuyển phí sử dụng đường bộ đã mua vé tháng cho ô tô qua trạm thu phí, nhưng do dịch bệnh, nên không được hoạt động sang tháng sau…

Ở góc độ quản lý, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã ban hành hơn 100 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải. Bộ GTVT đang tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong các năm trước.

Tuy nhiên, trong khi chờ chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước và sau khi "thấm đòn" từ 3 đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải đường bộ cần tự nỗ lực tái cơ cấu, đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, chấp nhận sống chung, thích ứng để phát triển cùng dịch.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Doanh nghiệp vận tải đường bộ ‘lao đao’
Doanh nghiệp vận tải đường bộ ‘lao đao’

Mặc dù dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát nhưng hàng loạt doanh nghiệp vận tải đường bộ vẫn phải hoạt động "cầm chừng", giảm lương người lao động, kinh doanh sụt giảm, và cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan để duy trì hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN