Đồng bộ chính sách hỗ trợ người dân

Việc thực hiện về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân trước khi di chuyển, tái định cư để ổn định sản xuất và đời sống bền vững lâu dài cần được ban hành đồng bộ.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Khó khăn trong việc lồng ghép nguồn vốn

Ở Sơn La, việc lồng ghép các nguồn vốn khác trên địa bàn để thực hiện chương trình di dân tái định cư (TĐC) rất khó khăn, do hầu hết các chương trình mục tiêu quốc gia đều thực hiện đầu tư các dự án và phương thức quyết toán riêng biệt. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực từ nhân dân hầu như không có, do nguồn lực và đời sống nhân dân vùng dự án còn nghèo. Về đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ: Tại thời điểm xây dựng thủy điện Hòa Bình, việc thực hiện về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân trước khi di chuyển để ổn định sản xuất và đời sống bền vững lâu dài trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa được ban hành đồng bộ. Trong khi đối tượng được hỗ trợ chính sách tại Đề án chỉ hỗ trợ với đối tượng hộ nghèo và các hộ phải di chuyển đến các điểm TĐC, khiến nhiều hộ gốc ảnh hưởng trực tiếp của dự án lại không được đưa vào đối tượng hưởng hỗ trợ, nên có sự so bì của người dân.

Công trình thủy điện Lai Châu đang gấp rút thi công, phấn đấu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2015.


Theo UBND huyện Quỳnh Nhai, là một trong những địa phương của tỉnh Sơn La có lượng di dân TĐC lớn, chiếm 2/3 tổng số dân phải di dời của thủy điện Sơn La, do khối lượng công việc lớn nên quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc: Một số dự án thành phần khi đưa vào sử dụng bị xuống cấp do ảnh hưởng của thiên tai, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Do biến động về giá vật tư, chính sách tiền lương nên một số dự án phải điều chỉnh, ảnh hướng đến tiến độ thi công. Mặt khác ý thức quản lý sử dụng bảo vệ tài sản chung của người dân hạn chế, chưa xây dựng được quy chế quản lý, nên công tác duy tu bảo dưỡng không thường xuyên. Việc giao đất ở, đất sản xuất cho người dân TĐC còn gặp khó khăn do công tác quy hoạch đưa cả đất có rừng, đất rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, đất có độ dốc lớn, có nguy cơ sạt lở cao. Do hồ sơ thống kê, kiểm đếm thu hồi đất TĐC trên địa bàn có nhiều hạn chế nên ảnh hướng lớn đến việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện còn 552 hộ chưa ký đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 13 hộ chưa thực hiện các khoản hỗ trợ sản xuất), cá biệt như xã Chiềng Bằng mỗi hộ mới được giao 0,5 ha đất sản xuất. Việc hình thành hợp tác xã, các đội, tổ sản xuất chưa phát triển ở các khu TĐC, các mô hình khuyến nông có hiệu quả còn chậm được nhân rộng, do nhận thức về phát triển kinh tế hộ còn hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư, còn trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước. Số sinh viên sau khi đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa bố trí được việc làm còn rất nhiều; trong đó xã Chiềng Bằng hiện nay khoảng 400 người.

Ông Trần Văn Dũng, Ban QLDA bồi thường di dân TĐC tỉnh Lai Châu: Bảo đảm cuộc sống người dân tái định cư

Với nhiệm vụ di chuyển hơn 50% tổng số hộ dân ảnh hưởng vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu, đến nay, đơn vị đã cơ bản chuyển xong số hộ dân này đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Về công tác bồi thường, hỗ trợ, đơn vị đã giải ngân được khoảng 90% vốn. Về các dự án xây dựng cơ bản trên các điểm tái định cư, đơn vị đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc. Các điểm TĐC đã chuyển dân lên, cơ bản đều đã có công trình trường lớp, có điện, nước và đường vào được rải nhựa hoặc đổ bê tông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các công trình phúc lợi khác như nhà văn hóa, trạm y tế đã được xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sử dụng của người dân...

Rút kinh nghiệm từ công tác di dân TĐC thủy điện Sơn La, hiện nay, Ban quản lý Dự án bồi thường di dân TĐC tỉnh Lai Châu đang rà soát các vấn đề phát sinh, trưng cầu ý kiến người dân để đến thời điểm thủy điện Lai Châu tích nước, tất cả các vấn đề đã được hoàn thành. Trong thời gian tới, Ban quản lý Dự án bồi thường di dân TĐC tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai bước hai, xây dựng các công trình thủy lợi để tiến hành khai hoang ruộng nước, phối hợp với UBND các huyện Nậm Nhùn và huyện Mường Tè giao đất canh tác cho nhân dân, sớm ổn định cuộc sống lâu dài.

Ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La: Khai thác hiệu quả nguồn nước

Trong 4 năm qua (2011-2015), với nhiệm vụ vừa xây dựng lực lượng, giám sát lắp đặt, kiện toàn bộ máy tổ chức vừa quản lý và vận hành, đến nay Công ty đã cung cấp điện ổn định và an toàn cho hệ thống điện quốc gia hơn 31 tỷ kWh. Đặc biệt các tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La còn có nhiệm vụ ổn định chất lượng hệ thống điện quốc gia như ổn định điện áp và tần số. Đồng thời đóng góp vào ngân sách Nhà nước 4.197 tỷ đồng; trong đó, tỉnh Sơn La là 3.149 tỷ đồng, Điện Biên 229 tỷ đồng, Lai Châu 207 tỷ đồng và Qũy môi trường rừng (VFF) là 612 tỷ đồng.

Công ty cũng khai thác hiệu quả nguồn nước phù hợp với tình hình thủy văn, đảm bảo cung cấp điện an toàn và hiệu quả, đồng thời xả nước phục vụ phát điện Thủy điện Hòa Bình và tưới tiêu cho hạ du. Bên cạnh đó, Công ty còn phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương điều tiết hồ chứa khai thác tối ưu nguồn nước trong mùa lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa số 198/QĐ-TTg, ngày 10/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ; đóng/mở cửa xả theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du hồ chứa. Công tác quản lý chất lượng công trình được thực hiện theo các quy định hiện hành. Hàng năm, Công ty đều lập báo cáo đánh giá an toàn ổn định đập, được Hội đồng An toàn đập trên bậc thang sông Đà đánh giá cao. Như vậy từ khi thành lập (năm 2011) đến nay, Công ty thủy điện Sơn La đã hoàn thành suất sắc hai nhiệm vụ chính được EVN giao là sản xuất điện an toàn, hiệu quả, sản lượng điện sản xuất hàng năm đều vượt kế hoạch được giao; chuẩn bị lực lượng sản xuất và tư vấn giám sát theo tiến độ thi công của dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Ông Bế Ích Đình, Bí thư Đảng ủy xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng: Ngập úng và sạt lở đất do thủy điện

Hơn một năm nay, hàng chục ha đất nông nghiệp của các xóm Pác Đa, Nà Vường 1, Nà Vường 2,… thuộc xã Độc Lập đã bị sạt lở và ngập úng do ảnh hưởng của Nhà máy thủy điện Nà Tẩu, thuộc Công ty Điện lực Bắc Minh quản lý.

Dọc theo dòng sông đoạn từ xóm Pác Đa đến xóm Nà Vường, có rất nhiều điểm đất ruộng ven sông bị sạt lở xuống sông, nhiều điểm sạt lở kéo dài 2- 3m, ăn sâu vào đất ruộng canh tác hoa màu của người dân. Những khu vực này chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, kết cấu đất ruộng, không có kè chắn, tuy nước sông không chảy siết nhưng mực nước lên xuống liên tục, nhất là khi mưa lũ khiến đất bị bở và sạt lở. Từ khi Nhà máy thuỷ điện Nà Tẩu được nâng cấp và đưa vào sử dụng năm 2004, đã xảy ra tình trạng sạt lở đất và ngập úng một số diện tích đất nông nghiệp. Vào mùa mưa bão, người dân trong xóm rất lo lắng và mong các cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng trên, tránh tình trạng mất dần đất nông nghiệp của nhân dân. Nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở là Nhà máy thủy điện Nà Tẩu tích nước và xả nước không hợp lý. Nhà máy tích nước dâng cao, gây ngập úng lên ruộng, sau đó xả nước 2 - 3 lần liên tục trong ngày với lưu lượng nước lớn gây úng cho cả một số xóm thuộc xã Cai Bộ ngay phía dưới.

Trước đây, việc xả lũ không kịp thời đã gây ra tình trạng ngập úng hàng chục ha đất nông nghiệp. Sau khi có kiến nghị, các ngành chức năng vào cuộc, Công ty Điện lực Bắc Minh cam kết và thực hiện xả lũ kịp thời, đúng thời điểm, tình trạng ngập úng các diện tích đất canh tác được hạn chế. Thế nhưng, tình trạng sạt lở gây mất đất nông nghiệp vẫn xảy ra, một số diện tích đất vẫn bị ngập úng, nhất là trong mùa mưa lũ. Từ cuối năm 2014 đến nay, diện tích đất bị sạt lở là 8,4 ha, ngập úng 13 ha. Nếu tình trạng này kéo dài không được xử lý, từ 3 - 5 năm nữa, diện tích đất sạt lở có nguy cơ mở rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhà dân. Đầu năm 2015, ngành liên quan của tỉnh đã đến kiểm tra nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Người dân mong muốn Công ty sớm có giải pháp xả nước hợp lý vào mùa mưa lũ, các cơ quan chức năng cũng sớm vào cuộc xem xét, có biện pháp xử lý triệt để nếu nhà máy cố ý làm trái các quy định.

V.T
Hướng đi mới cho  ngành lâm nghiệp Cà Mau
Hướng đi mới cho ngành lâm nghiệp Cà Mau

Thúc đẩy tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mà tỉnh Cà Mau đang hướng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN