“Dư địa để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế quý IV/2021 chính là thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nếu từ nay đến cuối năm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công gần 250.000 tỷ đồng sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,53 điểm phần trăm”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Mục tiêu giải ngân trong năm nay là 95% vốn kế hoạch, trong khi đó từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, nhưng còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân. Đây được xem là là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới làm được.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến 24/9, có 34 bộ và 39 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Sau khi nhận được báo cáo phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị rà soát, phân bổ vốn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Sau 9 tháng năm 2021, tổng số vốn đã phân bổ là 474.618,71 tỷ đồng, đạt 102,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (461.300 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch là 63.3,99 tỷ đồng. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 50.050,283 tỷ đồng, bằng 10,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 44.708,047 tỷ đồng; vốn ngoài nước là 5.342,236 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính nhận định: Nguyên nhân các cơ quan Trung ương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2021 do các dự án này chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; chưa phân bổ cho các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định; các dự án có thời gian bố trí vốn quá thời gian so với quy định.
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, còn 14/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: An Giang (43,33%), Cần Thơ (40,55%). “Việc giải ngân vốn đầu tư chậm chủ yếu là do COVID-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương làm cho việc cung cấp vật tư gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa cần nhập khẩu; không huy động được nhân lực cho các công trình cũng như triển khai thi công do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố. Do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố, các cơ quan hành chính làm việc qua hệ thống công nghệ thông tin nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công việc đặc biệt trong công tác thẩm định tại các cơ quan chuyên ngành”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Riêng các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tư vấn xây dựng thiết kế kỹ thuật; thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, giá cả.
Tuy nhiên ở góc độ chủ quan, nhiều ý kiến cho rằng: Việc triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư hay đấu thầu, thi công cũng phần nào gây chậm. Vấn đề này tồn tại từ lâu nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
“Cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thúc giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, cần rút gọn tối đa các thủ tục với quy trình cấp vốn; đồng thời nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong đấu thầu, tránh tình trạng làm không thực chất. Trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan, ban, ngành phải được quy định từ các khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, Học viện tài chính đề xuất. Theo ông Đinh Trọng Thịnh, tại địa phương, cần phân rõ trách nhiệm của các chính quyền, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Duy Đông chia sẻ: Tác động của dịch COVID-19 sâu, rộng và phức tạp khó lường, dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2021 sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, 2 năm liên tiếp 2020 - 2021 tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu sẽ tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước.
Do vậy, cần thống nhất những giải pháp hiệu quả, thúc đẩy nỗ lực phấn đấu hơn nữa của các địa phương trong thời gian tới để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân đầu tư công để xây dựng thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 6,5%.
Theo đó, các địa phương phải chủ động xây dựng đề án khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19. Từ đó, căn cứ vào thực tế nguồn lực của nhà nước, số vốn năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao để xây dựng kế hoạch năm 2022 trên cơ sở phù hợp mức vốn dự kiến giai đoạn 2021-2025, phù hợp khả năng cân đối ngân sách Nhà nước năm 2022. Các địa phương cũng cần xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án.
Việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 phải gắn với các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, định hướng ưu tiên đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá trên cơ sở phù hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.