Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Hiệp hội vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, UBND TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nguyên nhân do dịch tái bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội… khiến nhiều người dân và du khách TP Hồ Chí Minh đồng loạt hoãn, hủy các tour du lịch, đặc biệt các tour du lịch Tết đăng ký trước đó.
Điều này đã tiếp tục gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, trong đợt dịch tháng 3/2020, doanh nghiệp du lịch được áp dụng quy định giãn thời gian nộp thuế VAT là 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, do hoạt động lỗ nên cũng không áp dụng chính sách này.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào và vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian. Đối với bảo hiểm xã hội, Nhà nước cho giãn nộp với điều kiện phải cắt giảm trên 50% lao động, doanh nghiệp nào không cắt giảm lao động thì xem như vẫn đóng bình thường. Ngoài ra, việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn mới chỉ áp dụng đến hết năm 2020.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, hiện Hiệp hội tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng đưa ra chủ trương linh hoạt hơn nữa để doanh nghiệp cầm cự vượt qua đại dịch. Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch đề xuất miễn hoặc giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021.
Tiếp tục kiến nghị được miễn tiền thuê đất trong năm 2021 - 2022; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0% để giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi; kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để doanh nghiệp không rơi vào phát sinh nợ xấu; giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021. Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp du lịch, người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội từ năm 2021 đến hết 6/2022…
“Doanh nghiệp cũng mong muốn được điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng trong 24 tháng qua; đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho người lao động. Đối với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, các đơn vị mong muốn tăng tỷ lệ thay thế từ 60 lên 80%…”, bà Nguyễn Thị Khánh nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, những đợt dịch trước, các kiến nghị của thành phố cho các gói hỗ trợ đều đã được Chính phủ ghi nhận, hiện thực hóa bằng Nghị quyết, Thông tư. Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống, các quy định này còn những bất cập.
Vừa qua, các sở, ngành đã tập hợp những bất cập này trình Thành phố để tiếp tục kiến nghị điều chỉnh để có thể đi vào cuộc sống. Hiện các doanh nghiệp chủ yếu gặp các khó khăn về người lao động làm việc ở TP Hồ Chí Minh nhưng hầu hết có hộ khẩu ở các tỉnh. Theo đó, những lao động này muốn hưởng trợ cấp phải về quê xác nhận. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ, dẫn tới thiệt thòi cho người lao động…
Đối với một số doanh nghiệp, để người lao động được hỗ trợ, doanh nghiệp phải chứng minh không có khả năng chi trả lương… cũng đã phát sinh nhiều bất cập. Vì vậy, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp du lịch còn gặp khó khăn chồng chất do tác động của dịch bệnh.
Thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 453 cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm giá điện; 600 hướng dẫn viên du lịch nhận được gói hỗ trợ; 21 doanh nghiệp được hỗ trợ giảm phí, lệ phí; một số doanh nghiệp được ân hạn, giảm lãi vay nhưng số này không nhiều do phần lớn doanh nghiệp du lịch không có tài sản thế chấp… Do vậy, trong thời gian tới Sở sẽ điều chỉnh để nhóm doanh nghiệp du lịch được hỗ trợ từ ngân hàng chính sách xã hội, không cần phải có nguồn thế chấp, bảo lãnh.