Được cấp chứng chỉ CAT 1, uy tín và vị thế ngành hàng không Việt Nam được nâng lên

Chiều nay, 15/2, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sẽ chính thức trao Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 - Category 1 (CAT 1)  cho Cục Hàng không Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng đối với các Hãng hàng không của Việt Nam muốn khai thác đường bay thẳng tới Mỹ. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng xung quanh sự kiện này.

Chú thích ảnh
Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: dantri.com.vn

Cục trưởng có thể cho biết ý kiến việc Cục Hàng không Việt Nam được cấp chứng chỉ CAT 1?

Việc chúng ta đạt được tiêu chuẩn CAT 1 của Cục Hàng không Liên bang Mỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thứ nhất, đây là điều kiện bắt buộc cho các Hãng hàng không của mỗi quốc gia muốn mở đường bay đến Mỹ. Cụ thể, nhà chức trách hàng không quốc gia đó phải được Cục Hàng không Liên bang Mỹ đánh giá đạt tiêu chuẩn CAT 1.

Điều thứ 2,  CAT 1 rất quan trọng đối với các hãng hàng không của mỗi quốc gia trong quá trình hợp tác với các Hãng hàng không của Mỹ. Nếu quốc gia đó chưa được công nhận CAT 1 thì các hợp tác liên danh (code – sharing) với các Hãng hàng không của Mỹ chỉ được thực hiện trên các chuyến bay của các Hãng hàng không của Mỹ. Trong khi đó, một quốc gia đạt tiêu chuẩn CAT 1 thì các Hãng hàng không của quốc gia đó có quyền liên danh với các Hãng hàng không của Mỹ.

Tiêu chuẩn CAT 1 cũng là vị thế, uy tín trong lĩnh vực hàng không của quốc gia được nâng lên rất cao. Khi đó, ngành hàng không quốc gia đó được quốc tế thừa nhận về việc bảo đảm được tiêu chuẩn về an toàn bay. Điều này gián tiếp tạo điều kiện rất lớn cho các hãng hàng không của quốc gia đó về uy tín, đặc biệt là sự đánh giá, tin tưởng từ hành khách khi bay với hãng hàng không đó.

Trước tình hình đó, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, việc đạt tiêu chuẩn CAT 1 trước sau chúng ta phải làm. Có thể trước mắt, chúng ta chưa có hãng hàng không nào khai thác đường bay thẳng tới Mỹ nhưng cũng cần thiết cho chính chúng ta. Điều này thể hiện ở khía cạnh thông qua việc đánh giá này, thì đây là điều kiện để chúng ta xem lại mình, hoàn thiện lại mình.

Việc đạt được CAT 1 theo đánh giá là rất khó khăn, ông có thể chia sẻ về quá trình Cục Hàng không Việt Nam chuẩn bị về vấn đề này?

Để đạt được CAT 1 chúng ta phải làm rất nhiều việc. Cụ thể, 8 vấn đề theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) chúng ta phải ra soát, hoàn thiện. Theo đó, có những vấn đề liên quan đến hệ thống luật pháp; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn bay và các hướng dẫn chuyên ngành; hệ thống tổ chức ngành dọc của Cục Hàng không dân dụng; hệ thống huấn luyện, đào tạo nhân viên hàng không, đặc biệt là những nhân viên chủ chốt liên quan đến đánh giá an toàn hàng không….

Ngoài ra, các vấn đề như khả năng đảm bảo nguồn lực cho nhà chức trách hàng không trong quá trình thực hiện; chất lượng của nhà chức trách hàng không trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác an toàn hàng không cũng sẽ được xem xét.

Từ yêu cầu đặt ra, để chuẩn bị cho việc đánh giá đạt tiêu chuẩn CAT 1 từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Cục Hàng không Việt Nam có sự chuẩn bị rất sớm từ năm 2012. Sau khi nghiên cứu toàn bộ quy định về thanh tra, giám sát an toàn bay của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, chúng tôi nhận thấy rằng những quy định này hết sức phức tạp, nghiêm khắc đòi hỏi rất cao.

Cục Hàng không Việt Nam thấy rằng, nếu mời Cục Hàng không Liên bang Mỹ vào đánh giá ngay thì có khả năng cao là chúng ta không đạt được CAT 1 mà điều này sẽ kéo theo những hệ lụy xấu. Cụ thể là, uy tín trong lĩnh vực hàng không bị ảnh hưởng kéo theo những hệ quả khác như: các nhà chức trách hàng không châu Âu có thể dựa trên kết quả đánh giá của Cục Hàng không Liên bang Mỹ đưa các Hãng hàng không của Việt Nam vào danh sách đen. Vấn đề này một số quốc gia đã từng gặp phải.

Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đặt quyết tâm đã làm phải làm bằng được. Nghĩa là phải đạt được tiêu chuẩn CAT 1. Nếu trong trường hợp đánh giá còn nhiều thiếu sót thì phải tiếp tục hoàn thiện trước khi mời Cục Hàng không Liên bang Mỹ vào đánh giá chính thức.

Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2012, Hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc tư vấn cho Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến đánh giá mà Cục Hàng không Liên bang Mỹ sẽ thực hiện. Đặc biệt, Boeing giúp Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống hồ sơ, tài liệu.

Năm 2013, chúng ta đã thực hiện đánh giá thử CAT 1 lần đầu tiên. Kết quả là có 49 vấn đề cần phải xem xét; trong đó, có quá nửa liên quan đến hệ thống cốt lỗi về an toàn. Nhưng thời điểm đó, đoàn đánh giá của Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng động viên chúng ta là cũng có nhiều quốc gia khi đánh giá thử lần đầu đều không đạt, thậm chí nhiều quốc gia còn gặp nhiều vấn đề hơn Việt Nam.

Sau lần đánh giá thử đầu tiên, Cục Hàng không Việt Nam đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch khắc phục và đã thực hiện đồng bộ những điểm đã được chỉ ra từ công cụ quản lý, đến các quy phạm pháp luật, vấn đề thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ quá trình đào tạo nhân viên hàng không.

Đến năm 2017, trước những yêu cầu mới là nhu cầu mở đường bay tới Mỹ, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết tâm hoàn thành sớm CAT 1. Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục mời Cục Hàng không Liên bang Mỹ vào đánh giá thử lần 2.

Kết quả lần 2 được phía Cục Hàng không Liên bang Mỹ đánh giá khá tốt nhưng vẫn còn một số điểm tiếp tục cần hoàn thiện. Cuối tháng 11/2018, Cục Hàng không Việt Nam chính thức mời Cục Hàng không Liên bang Mỹ vào đánh giá chính thức CAT 1. Kết quả là chúng ta sẽ được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn CAT 1 vào chiều nay 15/2/2019.

Để đạt được chứng chỉ CAT 1 là hết sức khó khăn, vậy Cục Hàng không Việt Nam sẽ có những giải pháp nào để duy trì CAT 1 trong thời gian tới, thưa ông?

Cục trưởng Đinh Việt Thắng: Đạt được CAT 1 hết sức khó khăn nhưng để duy trì được CAT 1 còn khó khăn hơn. Đặc biệt, khó khăn hơn nữa là thị trường hàng không đang phát triển mạnh, số lượng tàu bay, số lượng sân bay và lưu lượng hoạt động bay ngày càng tăng. Trong khi đó, yêu cầu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ đòi hỏi nhà chức trách hàng không phải thường xuyên tăng cường năng lực quản lý của mình; trong đó, yêu cầu cao về việc đào tạo nguồn nhân lực.

Về nguồn nhân lực, nhân sự về giám sát chuyến bay, giám sát an toàn bay.. thì số lượng, chất lượng phải tăng lên nhằm đáp ứng tốc độ phát triển của các hãng hàng không. Đây thực sự là một thách thức rất lớn và chính một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã từng đạt tiêu chuẩn CAT 1 nhưng trong quá trình theo dõi đã bị đánh giá lại.

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi để duy trì CAT 1, Cục Hàng không Việt Nam đã thông qua chương trình bổ sung, tăng cường và nâng cao nguồn nhân lực của Cục Hàng không Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, tất cả giám sát viên bay thuộc biên chế của Cục.

Vậy đến thời điểm nay, đã có Hãng hàng không nào của Việt Nam có kế hoạch mở đường bay thẳng tới Mỹ?

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã nghiên cứu từ lâu và đã có kế hoạch xúc tiến bay thẳng đến Mỹ. Cục Hàng không Việt Nam cũng hỗ trợ tích cực Vietnam Airlnes trong vấn đề này.

Hãng hàng không Bamboo Airways một hãng hàng không mới nhưng cũng có tham vọng bay thẳng tới Mỹ. Bên cạnh đó, Vietjet Air cũng có kế hoạch mua máy bay tầm xa để nghiên cứu mở đường bay tới Mỹ.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, thị trường hàng không Mỹ hết sức tiềm năng nhưng khó tính và việc mở đường bay tới Mỹ sớm hay muộn chúng ta phải làm. Các Hãng hàng không Việt Nam nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ đạt được những thành công tại thị trường này.

Tuy nhiên, việc mở đường bay tới Mỹ sẽ có nhiều thách thức đối với các hãng bay của Việt Nam. Thứ nhất, việc đầu tư đội tàu bay tầm xa phù hợp bay tới Mỹ rất tốn kém. Thứ hai, thị trường hàng không là thị trường khốc liệt khi rất nhiều Hãng hàng không của các nước đã thực hiện bay tới Mỹ và cũng có nhiều Hãng hàng không của Mỹ khai thác đường bay từ Mỹ đi các nước. Vì vậy, yếu tố thị trường các hãng hàng không cần phải hết sức quan tâm.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, thời gian đầu nếu khai thác các đường bay thẳng tới Mỹ thì sẽ chịu lỗ nhưng dự đoán về lâu dài thì đường bay này sẽ hiệu quả.

Thách thức lớn thứ ba mà các Hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý đó là qua quá trình đánh giá, khảo sát và trao đổi với các hãng hàng không cũng như kinh nghiệm cho thấy hệ thống tư pháp của Mỹ hết sức phức tạp vì vậy mà các Hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý khi mở đường bay tới Mỹ.

Xin cảm ơn ông!

 

Quang Toàn/TTXVN (Thực hiện)
Năm 2018: Ngành hàng không tiếp tục tăng trưởng
Năm 2018: Ngành hàng không tiếp tục tăng trưởng

Năm 2018, các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục có những biến chuyển tích cực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ; được ghi nhận là hãng hàng không 4 sao (Vietnam Airlines) hoặc hãng hàng không được khách hàng lựa chọn nhiều nhất (Vietjet Air).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN