Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14 - QL14) đang “thần tốc” thi công để hình thành vóc dáng, có thể cán đích vào tháng 6/2015, vượt tiến độ 18 tháng. Đây là tuyến QL huyết mạch, khi đưa vào khai thác không chỉ thúc đẩy kinh tế Tây Nguyên phát triển, mà còn kết nối, rút ngắn khoảng cách các vùng miền đất nước; đồng thời giảm áp lực vận tải đường bộ cho nhiều tuyến QL trước đây qua khu vực, tiết kiệm ngân sách quốc gia.
Không quản ngại nắng mưaCó mặt trên công trường QL14 những ngày giáp lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, phóng viên Báo Tin Tức ghi nhận được không khí thi công thần tốc, không quản ngại điều kiện thời tiết khắc nghiệt mưa nắng thất thường, lầy lội trộn bụi đất đỏ ngầu của anh em công nhân, luôn chủ động tăng ca kíp, lấy đêm bù ngày.
Khẩn trương thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN |
Trước năm 2014, QL14 nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến cánh lái xe “sợ khiếp vía” mỗi khi phải đi qua. Trung bình, một xe khách chạy từ Buôn Ma Thuột đến TP Hồ Chí Minh dài 350 km phải mất gần 12 giờ đồng hồ. Đường bị cày nát, khiến nhiều ô tô qua đây bị hỏng hóc. Nhiều gara trên tuyến cho biết, năm 2013, nhiều xe vào sửa chữa chủ yếu là các lỗi hỏng gầm xe, nhíp, nổ lốp… Trước thực tế này, việc nâng cấp, mở rộng QL14 qua Tây Nguyên là yêu cầu cấp bách. “Thời điểm tháng 4/2014, dự án mới có đủ mặt bằng sạch để thi công, dự kiến tới cuối năm 2016 mới hoàn thành, nhưng với tiến độ khẩn trương như hiện nay, dự án có thể về đích vào tháng 6/2015, trước 18 tháng”, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng cho biết.
“Đường Hồ Chí Minh là mạch máu giao thông Tây Nguyên, hoàn thành sớm ngày nào là giúp kinh tế xã hội các tỉnh Tây Nguyên sớm phát triển ngày đó. Vì vậy nỗ lực của ngành giao thông để hoàn thành tuyến đường có ý nghĩa quan trọng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định. |
Để có được tiến độ hiện nay, ngay từ đầu mùa mưa năm 2014, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã rà soát tổng thể, huy động các nhà thầu tập kết đủ vật liệu, để mùa khô tiến hành thi công ngay. Các nhà thầu phải đăng ký khối lượng tập kết vật liệu theo tuần. Ban nghiệm thu từng hạng mục cụ thể và cho ứng tối đa 80% kinh phí để nhà thầu thanh toán cho đối tác. Bắt đầu vào mùa khô năm 2014, tất cả các gói thầu trên toàn tuyến thi đua đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo Ban phân công trách nhiệm chỉ đạo các nhà thầu đăng ký khối lượng thi công hàng tuần ngay trên công trường, còn các nhà thầu bố trí nhân công triển khai công việc thi công cả ngày lẫn đêm. Nếu nhà thầu nào “yếu” không bảo đảm tiến độ, sẽ triển khai cắt bớt khối lượng cho nhà thầu “khỏe” vượt tiến độ thực hiện. Cách làm này đã tạo ra không khí thi đua thi công hăng say, quyết tâm của anh em công nhân các gói thầu trên công trường.
Thi công hệ thống thoát nước đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum.Ảnh: Cao nguyên - TTXVN |
Đường Hồ Chí Minh thi công từ đoạn Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 553 km được đầu tư trong giai đoạn 2 đến nay đã thảm bê tông nhựa được 473/553 km. Trong đó, có 256 km đã hoàn thành thảm bê tông nhựa cả hai lớp các đoạn qua đô thị của các tỉnh Tây Nguyên và đoạn từ Kon Tum - Pleiku. Dự kiến đến tháng 5/2015 hoàn thành hạng mục thảm bê tông nhựa toàn tuyến. |
Theo ông Lâm Văn Hoàng, để đẩy nhanh tiến độ, dự án đã yêu cầu các nhà thầu ngay sau khi hoàn thiện kết cấu mặt đường sẽ cho thảm nhựa bê tông ngay, kể cả vào ban đêm, nếu trời không mưa, để kịp hoàn thành mặt đường kỹ thuật cơ sở trước mùa mưa. Nhớ lại thời điểm tháng 7/2014, QL14 vẫn còn ngổn ngang, nhưng hiện nay tuyến đường đã dần hình thành vóc dáng. Về chất lượng công trình, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ chuyên gia rà soát chất lượng công trình, tham mưu cho Ban đưa ra những giải pháp tốt nhất cho từng đoạn đường. Tổ chuyên gia này có quyền tạm dừng thi công ngay khi phát hiện đơn vị thi công nào ì ạch, không đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình triển khai dự án. Vì vậy, Ban cam kết đảm bảo chất lượng công trình đi liền với tiến độ.
Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai, Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Gói thầu dự án của công ty qua tỉnh Đắk Lắk hiện đã thảm bê tông nhựa được 70% mặt đường. Để đẩy nhanh tiến độ gói thầu, doanh nghiệp sử dụng hệ thống máy trải thảm bê tông nhựa và xe lu nhập từ Đức về. Đây là những thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới và mới được áp dụng tại Việt Nam, có thể tăng tốc độ thi công lên gấp 3 - 4 lần so với các thiết bị trước đó, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả khai thác sau này.
Đại diện nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị được Bộ GTVT tiến cử thay thế nhà thầu yếu thi công đoạn qua tỉnh Đắk Nông vừa nhận được bằng khen của Bộ GTVT cũng cam kết hoàn thành thảm nhựa xong gói thầu trong tháng 5/2015… Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh còn cho biết, nhiều gói thấu nhỏ hiện đã hoàn thành thảm nhựa từ trước Tết Ất Mùi.
Người dân mong từng ngày Đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách Thu Đức chạy tuyến Buôn Ma Thuột - TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Tuyến QL này đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải khách tăng chuyến, tăng doanh thu, vì trước đây, đường xấu, mỗi ngày cả doanh nghiệp chỉ chạy được một chuyến. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải khách còn cho biết sẽ mở thêm tuyến chạy thẳng từ Quảng Trị vào TP Hồ Chí Minh đi qua QL14, vì tuyến đường này sẽ rút ngắn được gần 100 km so với trước đây. Cũng trong sự phấn khích, Giám đốc Doanh nghiệp Nông sản Đắk Lắk, Nguyễn Thành Trung cho hay: “Trước kia, mỗi tháng, doanh nghiệp chỉ chạy được 10 chuyến, nếu QL14 đưa vào khai thác, đường tốt hơn, doanh nghiệp có thể chạy 15 chuyến, vừa giảm chi phí đầu tư cho vận tải, vừa tăng giá nông sản cho nông dân hiện nay.
Tiến Hiếu