Giao thông đường bộ đã trở thành một văn hóa lâu đời ở nhiều đô thị Đông Nam Á, gây nên những hệ lụy không nhỏ về giao thông, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và môi trường đô thị.
Ùn tắc giao thông sẽ trở nên tồi tệ hơn khi dân số tiếp tục tăng nhanh. Theo nghiên cứu của tổ chức ASEAN Up, đến năm 2030, dân số trong khu vực ASEAN dự kiến sẽ tăng hơn 100 triệu người lên 720 triệu dân.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, một số thành phố trong khu vực đang hướng tới hệ thống metro nhằm giải quyết áp lực giao thông ngày càng gia tăng.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Theo các chuyên gia của Công ty Nghiên cứu thị trường JLL, mỗi thành phố cần phải lên kế hoạch cho tương lai của mình, đặc biệt là các thành phố không ngừng gia tăng dân số như khu đô thị Klang Valley của Malaysia, nơi có mật độ dân số dự kiến sẽ tăng từ 7 triệu người hiện tại lên hơn 10 triệu người vào năm 2020. Chưa kể, số xe ô tô không ngừng tăng khiến Kuala Lumpur phải triển khai một số hệ thống đường sắt mới như tuyến tàu điện ngầm (MRT) dài 51km từ Sungai-Buloh tới Kajang, thuộc kế hoạch chuyển đổi hệ thống giao thông công cộng thành phố vào năm 2030.
Áp lực ách tắc giao thông ngày càng tăng, MRT sẽ hỗ trợ một lượng lớn dân số di chuyển trong thành phố một cách nhanh chóng và hiệu quả, do đó giảm lượng khí thải carbon.
TP Hồ Chí Minh và Hà Nội ở Việt Nam, Jakarta ở Indonesia và Manila ở Philippines cũng đang trong tình cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều vắng bóng đường sắt đô thị.
Những tuyến đường sắt đô thị đang được triển khai ở 2 thành phố này được kì vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng giao thông, cũng như mở ra những cơ hội bất động sản mới cho khu vực.
Trưởng phòng Nghiên cứu của JLL tại Việt Nam, bà Lê Trang cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, các dự án tàu điện bao phủ 70% thành phố và sẽ làm thay đổi cảnh quan khu vực.
"Do sự phát triển cơ sở hạ tầng không đồng đều nên hầu hết các dự án khu dân cư và thương mại thường tập trung tại khu vực trung tâm. Bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận, các dự án tàu điện sẽ khuyến khích thêm nhiều chủ đầu tư đầu tư vào các dự án bất động sản có quy mô lớn trên toàn thành phố", bà Trang nhận định.
Một kịch bản tương tự cũng diễn ra ở Hà Nội, Jakarta, Kuala Lumpur và Manila. Tất cả đều kỳ vọng tuyến đường sắt mới hoặc được nâng cấp sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế, các dự án tàu điện đã "ngủ quên" trong nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ. Chẳng hạn, kế hoạch về hệ thống tàu điện của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được đề xuất từ một thập kỷ trước nhưng đều bị cản trở bởi hàng loạt các vấn đề về tài chính, giải phóng mặt bằng...
Theo các chuyên gia, những khó khăn trong kỹ thuật và thiết kế đã xuất hiện ở Manila, thành phố thường xuyên bị ngập lụt kéo dài là một vấn đề khá nan giải mà TP Hồ Chí Minh nên cân nhắc.
Hay tại Kuala Lumpur, những thói quen cũ khó bỏ như người dân thích lái xe đến và đi từ trạm dừng tàu cao tốc khiến tình trạng quá tải chỗ đậu xe tại các điểm dừng tàu điện trở nên trầm trọng. Điều này không chỉ ngăn cản người dân chuyển sang sử dụng tàu điện mà còn tạo ra một nhận thức tiêu cực xung quanh việc sử dụng đường sắt. Đây là những kinh nghiệm cho Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với hàng triệu người dân ở các thành phố lớn Đông Nam Á, các tuyến metro mới vẫn sẽ là một giải pháp bắt buộc để hướng đến chất lượng cuộc sống đô thị cao hơn và sự phát triển kinh tế mạnh hơn. Người dân đang trông chờ những tuyến tàu điện đầu tiên lăn bánh.