Kế hoạch cải cách này đã bị gác lại suốt một năm qua do thái độ chần chừ của Italy và cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19.
Sau khi cải cách, quỹ cứu trợ, được biết đến với tên gọi Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), sẽ trở thành "cứu cánh tài chính" cho toàn khối sớm nhất là vào năm 2022. Cơ chế này cũng sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính của khối cũng như tăng cường quyền giám sát các quốc gia gặp khó khăn.
Đại diện Đức, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, cho rằng có những quyết định, đặc biệt là ở cấp EU mang nặng tính kỹ thuật đến nỗi rất khó có thể nhận thấy tác động chính trị của chúng ngay từ đầu, và thỏa thuận ESM là một trong số những quyết định như vậy. Tuy nhiên, bộ trưởng đánh giá rằng ESM sửa đổi sẽ giúp làm tăng sức mạnh của đồng euro cũng như toàn bộ ngành ngân hàng của châu Âu.
ESM được thành lập năm 2012 nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực, giúp các quốc gia như Hy Lạp thoát khỏi bờ vực phá sản. ESM dành cho các quốc gia thành viên những khoản vay ưu đãi để đổi lấy việc các nước phải thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và củng cố tài chính công.
Các nước thành viên vốn đã thống nhất trên nguyên tắc về việc cải cách ESM, qua đó cho phép mở rộng trách nhiệm của ESM. Tuy nhiên, việc triển khai cải cách liên tục bị trì hoãn do chia rẽ chính trị về kế hoạch này tại Italy, tiếp đó bùng phát đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các cuộc đàm phán về kế hoạch. Tại Italy, trong khi phe ủng hộ cải cách kêu gọi tăng cường vai trò của ESM, các đảng cực hữu lại cho rằng đây là công cụ kiểm soát của Brussels.
Sau khi Eurogroup đạt đồng thuận, các biện pháp cải cách ESM sẽ được trình lên cho chính phủ các nước thông qua và các quốc hội phê chuẩn vào năm 2021 để mở đường cho ESM sửa đổi có hiệu lực vào năm 2022.