Tại cuộc họp Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurogroup) ngày 8/10 ở Luxembourg, các bộ trưởng tài chính khu vực này đã nhất trí giải ngân 800 triệu euro (1 tỷ USD) trong khuôn khổ gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Bồ Đào Nha, vào thời điểm nước này đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc khổ để đáp ứng các mục tiêu thâm hụt ngân sách. Trong tuyên bố chung công bố cuối ngày 8/10, các bộ trưởng nói rằng Eurogroup đã nhận được sự đảm bảo từ Bồ Đào Nha rằng chính phủ nước này sẽ đạt được các mục tiêu tài chính. Như vậy, con đường để Bồ Đào Nha nhận được khoản vay 2 tỷ euro từ các quỹ cứu trợ của EU và 1,5 tỷ euro từ IMF vào cuối tháng 10/2012 đã thông tỏ.
Đây là đợt giải ngân thứ sáu trong khuôn khổ gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro mà EU và IMF dành cho Bồ Đào Nha. Chính phủ Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho đang nỗ lực khắc phục tình trạng thất nghiệp gia tăng và suy thoái đang trở nên sâu sắc. Kinh tế Bồ Đào Nha dự đoán sẽ giảm trong năm thứ ba liên tiếp trong năm 2013.
Tuần trước, Nội các nước này đã tung ra biện pháp tăng mạnh thuế đánh vào lương và các thuế thu nhập khác nhằm đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2013. Đây là các biện pháp khắc khổ mới nhất của chính phủ nước này.
Hàng ngàn công nhân tham gia cuộc biểu tình tại thủ đô nhằm phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ mà chính phủ Bồ Đào Nha thực thi nhằm đưa nước này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công. Ảnh: THX/TTXVN |
Các bộ trưởng tài chính Eurozone cho hay Bồ Đào Nha sẽ có thêm thời gian để giảm thâm hụt ngân sách sau khi nguồn thu ngân sách từ thuế không đạt được như dự báo. Các bộ trưởng cũng tỏ ra hài lòng rằng việc chính phủ chuẩn bị tích cực để trở lại các thị trường tài chính vào năm 2013 gần đây đã đạt được kết quả tốt.
Bộ trưởng tài chính Bồ Đào Nha, Vitor Gaspar, hôm 11/9 điều chỉnh mục tiêu thâm hụt ngân sách của nước này năm 2012 từ 4,5% lên tương đương 5% GDP và năm 2013 từ 3% lên 4,5% GDP, sau khi các quan chức EU và IMF cũng nhất trí các mục tiêu mới này. Chính phủ cũng nhắm tới việc đưa thâm hụt ngân sách về mức giới hạn 3% theo quy định của EU, với mức mục tiêu đề ra là 2,5% vào năm 2014. Thâm hụt ngân sách của nước này năm 2011 là 4,4%.
Phát biểu với báo giới tại Lúcxămbua ngày 8/10, ông Gaspar nói: “Cuộc thảo luận về Bồ Đào Nha rất tích cực, không khí cuộc họp rất thuận lợi”. Các bộ trưởng Eurozone thấy rằng chương trình khắc khổ của Bồ Đào Nha đang đi đúng quỹ đạo và các mục tiêu thâm hụt ngân sách mới đáng tin cậy.
Như Mai (Theo Bloomberg, AFP)