Thưa ông! Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi sẽ thay đổi bức tranh đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam như thế nào?
Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi thì bức tranh đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam sẽ có thay đổi rất lớn.
Điều đầu tiên nhìn thấy ở EVFTA là miễn giảm thuế, điều này sẽ giúp việc đầu tư xuất nhập khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận, Hiệp định sẽ tạo ra cú huých để cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để tận dụng lợi ích cao nhất của Hiệp định.
Liên minh châu Âu tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trên toàn cầu và Việt Nam rất đa dạng, ví dụ sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sau đó xuất khẩu lại châu Âu. Cũng từ thị trường Việt Nam để họ nhìn vào thị trường châu Á rộng lớn hơn, đó là sự thay đổi về bức tranh đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu.
Khi Hiệp định được thực thi sẽ có nhiều sản phẩm, dòng vốn từ châu Âu vào Việt Nam, điều này sẽ tạo nên những áp lực gì với các doanh nghiệp trong nước, thưa ông?
Nếu chúng ta nhìn nhận vào việc miễn giảm thuế của Hiệp định EVFTA thì đúng là khi mức thuế giảm hoặc được miễn sẽ tạo ra làn sóng của cả hai phía, đó là sự đầu tư từ doanh nghiệp châu Âu sang Việt Nam và ngược lại. Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu không có cạnh tranh trực tiếp với nhau. Ví dụ chúng ta nhập từ châu Âu các mặt hàng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại cung ứng những mặt hàng mà châu Âu cần và họ không làm được tại châu Âu.
Như vậy, về thương mại, hai bên bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Tất nhiên khi mức thuế giảm thì cũng sẽ có những mặt hàng bị trùng lặp và cạnh tranh nhưng quan điểm từ phía châu Âu hay Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thì cạnh tranh lành mạnh cũng tạo cú huých cho Việt Nam về nâng cao chất lượng hàng hóa của mình theo tiêu chuẩn châu Âu.
Khi EVFTA có hiệu lực, chúng ta có thể nhập khẩu máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn châu Âu với mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, về phía Việt Nam khi thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần quan tâm doanh nghiệp công nghệ, ưu đãi cho đối tượng sử dụng công nghệ hiện đại. Đây cũng là thách thức với Chính phủ Việt Nam, chúng ta cần có tiêu chí như thế nào để có thể sàng lọc được nguồn vốn đầu tư ở thế hệ mới.
Đối với các mặt hàng nông sản được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam xuất sang châu Âu thì EVFTA có 1 chương về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề lớn nhất đặt ra với Việt Nam là liệu chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của EU với những cam kết đó hay không. Lúc này không chỉ là nguồn gốc xuất xứ mà là yêu cầu về chuẩn mực, chất lượng của EU đối với những mặt hàng mà Việt Nam xuất đi.
Đối với những doanh nghiệp châu Âu đang có mặt tại Việt Nam thì chúng tôi đã giải quyết được vấn đề đó vì chúng tôi có quy trình riêng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được lợi thế đó hay không thì là thách thức lớn với doanh nghiệp Việt Nam và yêu cầu sự chung tay của các ban ngành.
Thưa ông! Vậy các doanh nghiệp châu Âu trông đợi điều gì khi tham gia vào thị trường Việt Nam?
Điểm đầu tiên các doanh nghiệp châu Âu quyết định đầu tư hay chuẩn bị đầu tư là cải cách thể chế ở Việt Nam như thế nào. Rõ ràng chúng ta đã biết thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khi chi phí thực hiện thủ tục hành chính vẫn ở mức cao. Nên điều đầu tiên doanh nghiệp mong muốn là cải cách về thủ tục hành chính, để đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể như EVFTA có điều khoản về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản nhất là thủ tục hải quan, quản lý hải quan... hay thông quan hàng hóa ở Việt Nam ở thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, có như thế thì họ mới quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Thứ hai là chính sách thuế, việc giảm thuế hay miễn thuế chỉ là một phần để cân nhắc quyết định đầu tư thôi. Tuy nhiên những vấn đề khác như thanh tra thuế, kiểm tra thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế mới là những cái mà doanh nghiệp châu Âu quan tâm. Hoặc việc đăng ký kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành còn gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, hi vọng Chính phủ Việt Nam nỗ lực hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!