Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra trong hai ngày 18-19/6 tại Los Cabos (Mêhicô), đang tích cực tìm kiếm các biện pháp củng cố lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Toàn cảnh lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Để củng cố lòng tin trong bối cảnh kinh thế giới còn phục hồi mong manh và khủng hoảng nợ công đang bao trùm châu Âu, các nhà lãnh đạo G20 đã cam kết chung tay hành động thúc đẩy kinh tế toàn cầu và giải quyết các căng thẳng trên thị trường tài chính hiện nay. Tất cả các thành viên G20 sẽ triển khai các bước đi cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và khôi phục lòng tin.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế toàn cầu, củng cố hệ thống tài chính, thương mại và thị trường lao động. Sau bài phát biểu khai mạc hội nghị của Tổng thống nước chủ nhà Felipe Calderon, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói: "Trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, các thành viên G20 cần phối hợp chặt chẽ với nhau và theo đuổi sự hợp tác đôi bên cùng có lợi". Trung Quốc đang thúc đẩy những cải cách kinh tế hợp lý, duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững, đóng góp tích cực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nỗ lực thể hiện một quan điểm đồng thuận về các chính sách khu vực, song vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhấn mạnh về vấn đề kỷ luật và trách nhiệm tài chính, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande đặt trọng tâm vào tăng trưởng kinh tế. Cho dù các cuộc thảo luận từ phía châu Âu đã bao quát hơn về tầm quan trọng của thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel vẫn không cho thấy ý định sẽ từ bỏ lập trường về các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà châu Âu áp đặt với những thành viên có mức nợ cao trong Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Một trong những điểm sáng tại Hội nghị G20 lần này là cam kết của các nền kinh tế đang phát triển đóng góp khoảng 95,5 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giúp thể chế tài chính này nâng nguồn lực quỹ cứu trợ lên 456 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 430 tỷ USD của chính IMF. Cụ thể, Trung Quốc cam kết đóng góp 43 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức cam kết đóng góp trước đó 60 tỷ USD của Nhật Bản và 54,7 tỷ USD của Đức; Braxin, Nga, Ấn Độ và Mêhicô mỗi nước góp 10 tỷ USD, 5 tỷ USD từ Thổ Nhĩ Kỳ và số còn lại từ một nhóm các nền kinh tế đang phát triển khác. Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Largade nói: "Nhóm các nền kinh tế đang phát triển đã đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi và cam kết đóng góp cho quỹ cứu trợ tài chính của IMF".
Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất thế giới và có quyền bỏ phiếu cao nhất trong IMF, song đến nay Mỹ vẫn chưa đóng góp vào "bức tường lửa" của IMF, mà Oasinhtơn chỉ khẳng định, châu Âu có đủ tiềm lực tài chính để giải quyết các vấn đề của riêng mình.
Việt Khoa (Theo AFP, Reuters)