Ngoài ra, tỉnh còn kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa cho các bến cảng tại các khu, cụm công nghiệp 1.477 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57, đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày; nâng cấp Quốc lộ 57 B, đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng; đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận; đường Bắc Nam phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận và cụm công nghiệp Phong Nẫm, cầu Ba Lai, đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú…Ngoài ra, giai đoạn 2026-2030, tỉnh Bến Tre đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển; tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh; cầu Hàm Luông 2; cầu Đình Khao…
Cùng đó, Bến Tre chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics thông qua việc kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải như: hạ tầng bến cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng tập trung gần các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung phù hợp với từng khu vực để giảm chi phí vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và dịch vụ du lịch.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tỉnh kêu gọi đầu tư các cảng bốc xếp và tập trung hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp đang triển khai trong tỉnh. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh đầu tư mới cảng nước sâu huyện Bình Đại; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh, nâng cấp, mở rộng các cảng đã đầu tư.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai các nhóm giải pháp về thể chế, vốn, đất đai, nguồn nhân lực và tuyên truyền phổ biến thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư vào lĩnh vực logistics.
Theo đó, Bến Tre ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút đầu tư theo các hình thức phù hợp, có đột phá trong khả năng đáp ứng của tỉnh để huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với một số dự án trọng điểm thuộc Đề án về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics đáp ứng về chuyên môn; ban hành chính sách hấp dẫn thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 về phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, hạ tầng phục vụ cho dịch vụ logistics bao gồm các bến cảng, bến tập trung hàng hóa, kho.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn khoảng 82.941 tỷ đồng, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Từ nguồn vốn trên, hạ tầng giao thông trong tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ; nhiều công trình trọng yếu đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tỉnh Bến Tre đã cơ bản giải quyết xong việc xóa cầu yếu trên các tuyến; giao thông nông thôn phát triển nhanh với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện từng bước được hoàn chỉnh và bảo đảm kết nối gữa các đô thị, trung tâm thương mại-dịch vụ, các khu,cụm công nghiệp, vùng và khu vực sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh Bến Tre, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như giao thông kết nối liên vùng chưa thông suốt (cầu Rạch Miễu quá tải, cầu Đình Khao, cầu Tân Phú chưa được đầu tư). Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ nhỏ, hẹp; trục động lực ven biển chưa được đầu tư; hạ tầng logistics chưa được hình thành rõ ràng…