Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công Thương thành phố chủ trì tích cực triển khai ngay từ đầu năm 2023. Đây là thông báo được Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương thông tin tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 14/12.
Không để khan hàng, đầu cơ giá
Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường theo quy chế. Doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của chương trình; góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra bất kỳ tình huống khan hàng, đầu cơ giá. Do đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ dịp Tết Giáp Thìn; trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối. Đây là các doanh nghiệp sản xuất, phân phối có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như: Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market (phân phối); Vissan, C.P Việt Nam, Sagri (thịt gia súc); Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm); Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương, Lộc Trời (gạo); Colusa - Miliket, Bình Tây (mì, bún, phở khô); San Hà, Long Bình, Feddy (thịt gia cầm); Phong Thúy, Xuân Thái Thịnh, Phước An (rau củ quả)…
Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%. Bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản… Ngoài ra, các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra thiếu hàng, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Riêng với mặt hàng gạo, thời gian qua, tình hình thị trường, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu diễn biến rất phức tạp, nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành; có thêm một doanh nghiệp kinh doanh gạo quy mô lớn là Tập đoàn Lộc Trời đã đăng ký tham gia đồng hành cùng thành phố trong thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường trên địa bàn với những cam kết cụ thể như: cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn.
Tại 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lượng nông sản cung ứng đạt bình quân 7.600 tấn/ngày. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày. Để chuẩn bị Tết, Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Tăng khuyến mãi dịp Tết
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Nhằm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường; đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.
Cụ thể, từ ngày 20 - 27 tháng Chạp âm lịch, các kênh phân phối sẽ mở cửa từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm; từ ngày 28 - 29 tháng Chạp âm lịch, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm; ngày 30 tháng Chạp âm lịch, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa; khai trương năm mới vào 8 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán, các kênh phân phối mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa; từ mùng 6 Tết Nguyên đán trở lại hoạt động kinh doanh bình thường.
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, chương trình khuyến mãi, ưu đãi Tết năm nay của Saigon Co.op được kéo dài liên tục trong 59 ngày, bắt đầu từ 13/12/2023 đến 9/2/2024 (ngày 30 Tết Âm lịch) với chủ đề “Đến Co.op chở Tết về”. Ngay từ giữa tháng 12/2023, chương trình sẽ mở màn chuỗi bằng các hoạt giảm giá trực tiếp từ 50% - 100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Chuỗi chương trình này kéo dài đến sát Tết Nguyên Đán, đặc biệt trong 10 ngày cận Tết tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân; đồng thời duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng…
Ngoài ra, những ngày cận Tết, Saigon Co.op luân phiên giảm giá mạnh cho hàng nghìn sản phẩm theo thứ tự ưu tiên gồm sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa; sản phẩm chăm sóc cá nhân, hàng thời trang; giỏ quà tết, các loại thực phẩm ngâm, mứt và gia vị; cận Tết là lạp xưởng, trái cây, thịt kho hột vịt, bánh chưng, mâm cỗ Tết… Saigon Co.op cũng dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp: ưu tiên mua hàng giảm giá; tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu vùng xa.
Nhằm tiếp tục chuẩn bị hàng hoá cho dịp Tết Nguyên đán, thời gian tới, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác. Sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại tập trung như Chương trình Shopping Season 2023 với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa Xuân 2023”, tổ chức, hỗ trợ tổ chức các sự kiện, hội chợ, phiên chợ xuân cấp Thành phố và cấp quận, huyện...
Để siết chặt các biện pháp quản lý thị trường, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Giáp Thìn năm 2024, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, Cục và Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát…; chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.