Nhà nghiên cứu này dự báo, nếu doanh nghiệp Hàn Quốc bị thiếu 30% nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn do biện pháp siết chặt xuất khẩu của Nhật Bản, thì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc sẽ bị giảm 2,2%, trong khi GDP của Nhật Bản giảm 0,04%.
Trong trường hợp Seoul đáp trả tương tự bằng việc siết chặt quy chế xuất khẩu với Tokyo, thì GDP Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ giảm lần lượt 3,1% và 1,8%.
Nếu tình hình diễn tiến xấu hơn nữa, doanh nghiệp Hàn Quốc bị thiếu tới 45% nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn, thì khi đó GDP của Hàn Quốc sẽ giảm tới 4,2%. Trường hợp Hàn Quốc đáp trả bằng cách siết chặt quy chế xuất khẩu với Nhật Bản thì GDP có thể giảm tới 5,4%.
Nếu mâu thuẫn giữa hai nước lan rộng trở thành chiến tranh thương mại, sản lượng của ngành công nghiệp điện, điện tử Hàn Quốc sẽ bị giảm 20,6%, của Nhật Bản giảm 15,5%. Ngược lại, sản lượng của Trung Quốc sẽ tăng 2,1%, giành vị trí độc quyền.
Nhà nghiên cứu này phân tích mâu thuẫn thương mại Hàn-Nhật khác với các cuộc chiến tranh thương mại thông thường chỉ đối đầu về thuế. Biện pháp của Tokyo mang tính chất kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu trung gian thiết yếu đối với ngành công nghiệp chủ lực của đối phương, nên mâu thuẫn sẽ có thể diễn tiến nghiêm trọng theo hướng phá hủy mạng lưới cung cấp, dẫn tới thay đổi cấu trúc thương mại của Hàn Quốc.
Mặt khác, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc Kwon Tae-shin chỉ ra rằng biện pháp trả đũa của Tokyo sẽ tác động mạnh tới toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, không chỉ có các doanh nghiệp lớn như Samsung, SK Hynix, mà còn cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, điều này sẽ là một yếu tố rủi ro mới, có thể kéo nền kinh tế Hàn Quốc đi xuống, trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng ì ạch do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự sụt giảm năng suất.