Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Đoàn Văn Tuấn, giá dứa trong những ngày qua thương lái thu mua đạt từ 4.000-5.000 đồng/kg, tùy theo phẩm chất và địa bàn, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá tiêu thụ kể trên, nông dân trồng dứa thu hoạch đạt giá trị sản lượng từ 80-100 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí còn lãi từ 40-50 triệu đồng/ha.
Nông dân Đặng Văn Thích, cư ngụ tại ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa, Tân Phước cho biết, với giá trên, người trồng dứa có thu nhập khá. Gia đình ông canh tác 8 ha dứa, trung bình mỗi năm đạt sản lượng từ 180-200 tấn dứa thương phẩm.
Theo ông Thích, nếu dứa giữ mức giá từ 4.000-5.000 đồng/kg, hàng năm, gia đình ông lãi không dưới 400 triệu đồng. Nhờ nguồn lợi từ cây dứa, nhiều năm nay, gia đình ông tạo nên cơ nghiệp là triệu phú trên miền đất mới Đồng Tháp Mười.
Ông Lê Văn Bé Hai, canh tác 5 ha dứa ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước đánh giá, giá dứa tăng trở lại nhờ trong những ngày qua, nhiều địa bàn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Một số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép tái hoạt động trở lại có nhu cầu về tiêu thụ nông sản nói chung, dứa nói riêng. Người trồng dứa rất phấn khởi.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên trong thời gian qua, sản xuất và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt, hoạt động tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, giá các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn huyện giảm mạnh, có lúc không có thương lái vào thu mua bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm khi các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh và một số chợ truyền thống, các cửa hàng kinh doanh ăn uống đóng cửa do ảnh hưởng của việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Tiền Giang và các tỉnh phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An là nơi tập trung tiêu thụ sản lượng lớn dứa, thanh Long vùng Đồng Tháp Mười.
Trong các tháng 8, tháng 9 vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, giá dứa tụt xuống chỉ còn 2.000-2.500 đồng/kg và việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn, nhất là những địa bàn sâu, xa như xã Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông…của huyện Tân Phước.
Do vậy, để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch, thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa nói chung, trái dứa nói riêng, huyện Tân Phước chủ động cấp giấy đi đường cho nông dân và thương lái qua lại các chốt kiểm soát để ra đồng sản xuất, thu mua nông sản với yêu cầu phải tuân thủ thông điệp 5K, thương lái thu mua phải test nhanh tầm soát kháng nguyên vi rút SARS-COV-2… nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trên địa bàn.
Hiện nay, nhờ giá dứa hồi phục mang lại nguồn thu khá thiết thực tạo động lực cho bà con vùng Đồng Tháp Mười nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tích cực đầu tư thâm canh dứa, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Nông dân địa phương đang kỳ vọng cùng với tiến độ kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm trở lại trạng thái bình thường mới đồng thời những giải pháp khôi phục sản xuất sau đại dịch được các ngành, các cấp thực thi trong những ngày sắp tới, cây dứa Đồng Tháp Mười có thêm cơ hội khẳng định vị thế trên thị trường, giúp nông nghiệp - nông thôn - nông dân làm giàu bền vững.
Dứa là cây trồng chủ lực của Tân Phước, huyện vùng Đồng Tháp Mười duy nhất tỉnh Tiền Giang. Trong các năm qua, bà con vào khai hoang lập nghiệp đã mở rộng vùng dứa chuyên canh lên trên 15.000 ha với sản lượng mỗi năm từ 220.000-300.000 tấn quả, chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu cũng như cung ứng thị trường trong nước.