Giá gas cần phải minh bạch

Giá gas tăng, các doanh nghiệp sử dụng gas để sản xuất đang “méo mặt”; người tiêu dùng thì lo lắng vì chi phí sinh hoạt đội lên. Trước bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế đã “hiến kế” để thị trường gas hoạt động được ổn định, minh bạch hơn.

Giá gas tăng cao khiến người tiêu dùng lao đao.

Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, ông Lâm Trúc Quỳnh, chủ lò gốm Trúc Quỳnh (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Nếu giá gas tiếp tục tăng, 80% sẽ phải ngừng sản xuất”. Theo ông Quỳnh, tại Bát Tràng hiện chỉ có 50% số lò gốm là hoạt động thực sự, 50% số lò còn lại đã chuyển sang buôn bán và làm dịch vụ du lịch. Bà Lương Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Khu du lịch Lò Bầu cổ (xóm 2, Bát Tràng), chia sẻ: “Bây giờ, Lò Bầu không sản xuất gốm nữa, chỉ phục vụ khách du lịch. Chi phí đầu vào liên tục tăng khiến giá thành sản phẩm tăng theo. Nếu sản xuất theo kiểu này thì không hiệu quả, do vậy chúng tôi đổi hướng kinh doanh sang làm du lịch nhưng gắn liền với gốm sứ”.


Theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương), giá gas tăng đã ảnh hưởng lớn tới những doanh nghiệp, cơ sở sử dụng gas nhiều. Tuy nhiên, giá gas trong nước cơ bản chịu sự điều chỉnh theo biến động của giá gas thế giới.

 

“Việt Nam đang phải nhập gas đến hơn 50% nên biến động của thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Nếu bây giờ tính giá bình quân, giữa giá gas sản xuất trong nước với gas nhập khẩu để tìm một mức giá chung thì doanh nghiệp nhập khẩu gas sẽ bị lỗ”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội thẩm định giá nói.


Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước khẳng định, việc tăng giá gas trong nước vừa qua là phù hợp với biến động của thế giới nhưng dư luận vẫn hoài nghi: Liệu trước đó, các doanh nghiệp kinh doanh gas có găm hàng chờ tăng giá?


Theo ông Thỏa, cơ quan quản lý cần phải rà soát, xử lý, kiểm tra các doanh nghiệp chưa ký hợp đồng nhập khẩu, chưa nhập khẩu gas theo giá mới (vẫn còn sản lượng cũ) nhưng vẫn bán theo giá mới để thu lợi. “Việc doanh nghiệp có găm hàng hay không thì phải chờ kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý, chứ không thể nói theo dư luận”, ông Thỏa cho biết.


Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Bộ Công Thương cần phải xem xét lượng gas tồn thực tế là bao nhiêu trước khi cho doanh nghiệp tăng giá mặt hàng này. Nếu doanh nghiệp còn tồn hàng, gas nhập theo giá mới chưa về Việt Nam mà đã tăng giá bán tại thị trường trong nước là không minh bạch với người tiêu dùng. “Theo tôi, mặt hàng gas cũng cần có quy định tăng theo lộ trình, tránh gây “sốc” cho người tiêu dùng”, ông Doanh nói.


Không chỉ vậy, không ít chuyên gia kinh tế thắc mắc: Khi giá gas thế giới tăng, các đơn vị kinh doanh có giảm tỷ lệ hoa hồng, có bớt lợi nhuận của mình hay chỉ tập trung tăng giá, khiến người tiêu dùng lao đao? Vấn đề này cần phải được công khai, minh bạch. Theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả, hiện mức chiết khấu cũng như hoa hồng cắt lại cho các đại lý rất cao và mức lãi cho một bình gas 12 kg hiện cũng không nhỏ, xấp xỉ 100.000 đồng. Đây là điều hoàn toàn bất hợp lý. Bên cạnh đó, giá gas trong nước thường có xu hướng cao hơn giá thế giới. “Có tình trạng này là do khâu quản lý của Nhà nước không chặt chẽ. Hiện chưa có chế tài buộc các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch về giá gas”, ông Long nói.


Theo đó, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Bộ Tài chính phải vào cuộc để thanh, kiểm tra chi phí ở khâu phân phối mặt hàng này, đặc biệt là mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Nếu phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh gas cạnh tranh không lành mạnh, gây phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng, cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý ngay. Cụ thể, cơ quan quản lý cần kiểm tra yếu tố hình thành giá để xem doanh nghiệp tính toán có hợp lý hay không? Các doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm rà soát chất lượng cũng như giá cả trong toàn hệ thống từ đại lý đến khâu bán lẻ, chứ không thể để tình trạng như hiện nay.


Mới đây, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra các yếu tố hình thành giá của các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở sản xuất kinh doanh gas để phát hiện những trường hợp tăng giá bất hợp lý.


Minh Phương - Thu Hồng

Doanh nghiệp “cắn răng” chịu giá gas cao
Doanh nghiệp “cắn răng” chịu giá gas cao

Kể từ đầu tháng 12, giá gas đã tăng thêm từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg... với nhiều doanh nghiệp sử dụng gas là nhiên liệu chính để sản xuất, họ không có lựa chọn nào khác là phải “cắn răng” chịu đựng và chờ giá xuống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN