Sau 4 lần giảm giá xăng liên tiếp với mức giảm lên đến 1.900 đồng/lít, giá xăng trở về mức tương đương hồi đầu năm nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng vẫn đang giữ nguyên. Nguyên nhân được cho là cước vận tải không giảm.
Tăng dễ, giảm khó
Nghịch lý giá xăng tăng thì giá hàng hóa tăng nhưng giá xăng giảm thì giá hàng hóa chưa muốn giảm đang tái diễn. Qua khảo sát tại các siêu thị, chợ tại Hà Nội... sau kì nghỉ lễ 2/9 vừa qua, giá hàng hóa gần như vẫn không giảm, một số loại hàng hóa còn nhích tăng dù sức mua vẫn đang yếu.
Hàng hóa thực phẩm thiết yếu vẫn giữ giá như trước khi giá xăng giảm. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Hàng ngày, bà Kim Xuyến (khu tập thể Nam Thành Công, Hà Nội) thường đi chợ truyền thống gần nhà để mua được thực phẩm tươi ngon. Hơn nữa, với mức lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng, mỗi khi bà Xuyến thường cẩn thận vào từng quầy bán thịt cá, rau xanh để khảo giá, mặc cả rồi mới quyết định chọn mua. Tuy vậy, mức giá thực phẩm thiết yếu hiện nay khiến bà không khỏi ngán ngẩm.
“Giá thịt lợn nạc thăn, nạc mông, ba chỉ và sườn là 100.000 đồng/kg; thịt sấn vai, sấn mông 85.000 đồng/kg, thịt bò giá 240.000 đồng/kg; cá chép 70.000 - 80.000 đồng/kg... không thay đổi so với hồi đầu tháng 8. Các loại rau xanh còn bán giá cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng so với thời điểm trong tháng 8. Tôi không hiểu nổi sao giá xăng thì giảm mà giá thực phẩm lại không giảm, trong khi trước đấy giá xăng tăng thì người ta đã ngay lập tức vin vào đó để tăng giá”, bà Xuyên bức xúc.
Mối lo của bà Xuyến là hoàn toàn có cơ sở, và đó cũng là tâm trạng chung của các bà nội trợ. Khảo sát thêm tại chợ Trương Định (quận Hoàng Mai), mặt hàng trứng gia cầm, cách đây một tháng đã tăng lên từ 500 - 700 đồng/quả, song hiện vẫn giữ giá. Cụ thể, giá trứng gà công nghiệp là 2.200 đồng/quả, trứng gà ta là 3.500 đồng/quả, trứng vịt 3.200 đồng/quả.
Một tiểu thương tại chợ cho biết, trước đây giá trứng tăng theo giá xăng, do chi phí vận chuyển đội lên. Còn hiện nay, dù xăng giảm giá nhưng giá nhập hàng chưa giảm nên người bán đành chịu!
Còn theo các tiểu thương tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), do thời tiết mưa to kéo dài, lượng cung ứng rau bị hạn chế nên giá bán rau tăng nhẹ. Ngoài ra, hiện đang là dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng tăng, do đó, giá cả các loại thực phẩm khó có xu hướng giảm.
Đại diện một siêu thị tại khu vực Hà Đông cho biết, cách đây vài tháng, một số nhóm hàng gia dụng đã đề xuất tăng giá do chi phí vận chuyển hàng hóa tăng. Nhưng hiện nay, vẫn chưa thấy nhà cung cấp nào thông báo sẽ giảm giá sản phẩm.
Còn nghe ngóng thị trường
Cước vận tải là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên giá cả hàng hóa (chiếm khoảng 10 - 15% giá thành). Khi giá xăng dầu giảm liên tiếp trong tháng qua, giá cước tàu xe, ô tô không có dấu hiệu điều chỉnh. Điều này phần nào khiến cho giá hàng hóa thiết yếu chưa thể giảm.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vận tải đang phải chịu nhiều chi phí tăng cao như điện, cầu đường, bến bãi, trong khi đó, do cạnh tranh giữa các các nhà xe, lượng khách giảm rõ rệt. Do đó, giá cước sẽ không thể giảm nhanh như giá xăng dầu. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thường tính toán kỹ khi điều chỉnh giá cước. Khi giá xăng dầu tăng/giảm vượt quá mức 10% thì họ mới tính đến điều chỉnh cước vận tải. Mặc dù giá xăng liên tiếp giảm 4 lần nhưng mức giảm mới chỉ khoảng 7%.
Cũng theo ông Liên, việc tăng giảm giá xăng vẫn là một “ẩn số khó lường”. Nếu doanh nghiệp vận tải vội vàng điều chỉnh giảm giá cước, giá xăng đột ngột tăng trở lại thì doanh nghiệp sẽ lỗ, do đó họ vẫn cần phải nghe ngóng thị trường.
Đánh giá về những biến động của giá hàng hóa thời gian qua, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp trong khi hầu hết các mặt hàng đều chưa có dấu hiệu giảm giá, cá biệt một số mặt hàng còn có xu hướng tăng giá nhẹ như thực phẩm, rau quả... là hết sức vô lý.
Theo các chuyên gia thị trường, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa giảm giá cước là bởi họ chưa muốn chia sẻ lợi nhuận của mình khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc biến động giá hàng hóa theo kiểu tăng nhanh, giảm chậm thường diễn ra phổ biến ở thị trường tự do còn trong các siêu thị thì giá cả bình ổn hơn. Tuy nhiên, lưu thông hàng hóa qua kênh phân phối tự do vẫn chiếm chủ yếu nên việc kiểm soát giá hàng hóa sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Hoàng Dương