Tuy nhiên, người dân cần cẩn trọng, tránh đi vào vết xe đổ “được giá thì đầu tư mạnh, trồng ồ ạt, khi rớt giá rơi vào cảnh trắng tay, phá sản”.
Tây Nguyên đang bước vào đầu mùa mưa, đây cũng là mùa trồng mới của nhiều loại cây trồng dài ngày. Nhưng khác với không khí ảm đảm của những năm trước, mùa mưa này nhiều nông dân ở huyện Chư Sê lại đang hối hả, tất bật cho việc gầy dựng mới vườn tiêu. Bởi theo người dân thủ phủ hồ tiêu, với giá hồ tiêu đang ổn định ở mức trên 70 nghìn đồng như hiện nay, người trồng sẽ có lãi khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều cây trồng khác nên nhiều nông dân đã quyết định tái đầu tư.
Anh Nguyễn Trọng Huấn, xã Ia Roong, huyện Chư Sê chia sẻ: "Nông dân ở đây chủ yếu nhờ cây tiêu và cây cà phê. Giờ cà phê thì rẻ, giá tiêu nhích lên thì nhân dân ủng hộ trồng tiêu lại. Giờ mình trồng 500, 700 trụ đã, nếu được thì mình trồng thêm. Nếu giá tiêu tầm này, đến 100 nghìn đồng/kg thì cuộc sống người dân cũng đỡ rồi".
Cùng chung tâm lý, anh Lê Đình Huấn (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) cũng quyết tâm “dốc vốn” cho đợt trồng mới mùa mưa 2021. Theo anh Huấn, trước tình hình giá tiêu đang dần được cải thiện, nhiều hộ dân trong vùng cũng đầu tư vào vườn tiêu mới nên gia đình anh cũng quyết định gầy dựng lại vườn tiêu. Khi giá tiêu xuống thấp, vườn tiêu gia đình anh phần thì bị chết, phần không có vốn để chăm sóc nên xơ xác. Đang tất bật chuẩn bị giống cho việc gầy dựng lại vườn tiêu, anh Huấn chia sẻ, do nguồn lực ít nên mình chọn phương án trồng xen canh, lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh đó, trước tình trạng giống tiêu ác hiếm nên mình chuyển trồng tiêu lươn, giống rẻ hơn mà hiệu quả cũng được vì rễ nó khi đôn xuống được thì rất đảm bảo.
Theo đánh giá của chuyên gia về cây hồ tiêu, thời điểm này, việc phát triển mới diện tích hồ tiêu tại Gia Lai là phù hợp. Bởi sau nhiều năm dừng canh tác hồ tiêu trên các diện tích bị chết vì nhiễm bệnh để trồng cây ngắn ngày, nhiều diện tích đất đã được cải tạo, mầm bệnh trong đất cũng đã giảm. Cộng với đó, việc giá hồ tiêu đang khá ổn định trên thị trường tạo lợi nhuận tốt cho người nông dân. Tuy nhiên, người nông dân cần tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để tránh đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai khuyến cáo, việc phát triển, phục hồi diện tích hồ tiêu bà con không nên “thấy lợi trước mắt rồi ồ ạt trồng mới”. Trước mắt, người dân tiếp tục thực hiện thâm canh sản xuất những vườn hiện có đảm bảo phát triển tốt. Nếu bà con trồng mới thì áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm thì mới tổ chức sản xuất bền vững được.