Giá sữa giảm không đáng kể

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, kể từ ngày 20/4, 25 sản phẩm sữa của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam phải giảm giá sau khi loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành sản phẩm (25 sản phẩm của một số hãng khác sẽ giảm từ ngày 22 và 28/4).

Giá sữa vẫn chưa giảm tương xứng theo kỳ vọng người dân. Ảnh minh họa: Lê Phú


Nếu so với kết quả thanh tra trước đó, chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị chiếm từ 20 - 30% giá thành, đã làm cho giá sữa tăng thì sau khi tách bỏ chi phí quảng cáo, giá sữa tới tay người tiêu dùng lại không giảm tương ứng.

Giảm 2.000 - 7.000 đồng/hộp

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức sáng 20/4, nhân viên một số cửa hàng sữa ở Hà Nội như: Liên Đạt, Bibomart (Bạch Mai) hay Kim Hồng ở Hàng Buồm cho biết: Cửa hàng vẫn chưa nhận được thông báo giảm giá của nhà phân phối hãng Mead Johnson Nutrition Việt Nam. Còn tại cửa hàng bán sữa ở phố Đội Cấn, giá bán lẻ một số sản phẩm (thuộc danh mục giảm giá) đã hạ từ 2.000 - 5.000 đồng/hộp.

Nếu chiếu theo Bảng giá bán buôn của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam áp dụng ngày 20/4, trong số 25 sản phẩm sữa trên thị trường có mức giảm từ 1.697 - 6.994 đồng/hộp thì cũng không ít sản phẩm chỉ giảm khoảng 1%, như: Enfamil A+1 360 độ Brain Plus có giá mới khoảng 223.000 đồng/hộp, giảm giá 2.200 đồng/hộp; giá cũ của Enfagrow A+3 360 độ Brain Plus 1.800 g là 699.435 đồng/hộp, nay giảm 6.994 đồng/hộp... Giảm giá từ 2 - 4% có Enfamil A+1, A+2...

Một chủ đại lý bánh kẹo, đường sữa ở đường Giải Phóng (Hà Nội) nói: “Nhìn chung, hãng sữa đưa ra mức giảm giá bán buôn không nhiều nên có thể đại lý cũng không giảm giá bán lẻ sản phẩm. Chúng tôi vẫn thường bán thấp hơn giá bán tối đa mà hãng đề nghị. Đơn cử, sản phẩm Enfalac LactoFree Power 400g, cửa hàng đang bán với giá 190.000 đồng, thấp hơn 5.202 đồng so với giá hãng đề nghị. Nay hãng giảm giá đổ buôn chỉ 1.697 đồng/hộp, tôi không cần điều chỉnh thì giá bán lẻ vẫn thấp hơn trần tối đa nhiều”.

Theo Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, từ ngày 22/4 sẽ có 8 mẫu sản phẩm của Abbott giảm giá bán buôn với mức giảm từ 1 - 1,5%. Ví dụ sản phẩm Similac Isomil IQ 3 loại 400g có giá bán buôn là 249.000 đồng, giảm 1.000 đồng/hộp so với hiện tại; Similac Total Comfor 3 loại 360 g có giá bán buôn mới là 240.000 đồng, giảm 1.000 đồng so với giá bán cũ. Phía hãng Friesland Campina có mức giảm giá nhỉnh hơn với 14 sản phẩm. Mức giảm thấp nhất là 4.125 đồng cho sản phẩm mới ra mắt Dutch Lady Tò mò Gold 1 - 2 loại 900g, còn sản phẩm giảm giá nhiều nhất là Dutch Lady 123 Gold BIB loại 2000g, giá bán lẻ chỉ 490.000 đồng/hộp nhưng được hãng giảm giá bán buôn 16.450 đồng/hộp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Mức giá giảm 0,4 - 4% là mức giảm lần thứ hai từ mức giá sản phẩm đã được rà soát, tiết giảm khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại theo quy định tại Nghị định 100/2014/NĐ - CP. Trước đó, từ tháng 6/2014, Bộ Tài chính thực hiện áp dụng biện pháp giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. “Mức giá giảm lần thứ hai, từ 0,4 đến 4% này, bước đầu chúng tôi đánh giá là tương đối phù hợp với hồ sơ kê khai giá của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhận xét.

Đổi bao bì để tăng giá bán

Để "lách" quy định phải loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá, một số hãng sữa đã sử dụng phương thức đổi mẫu mã, bao bì nhằm tăng giá bán sản phẩm.

Theo chủ một đại lý sữa lớn tại Hà Nội, gần đây, chiêu thức của hầu hết hãng sữa là thay đổi phân chia độ tuổi dành cho trẻ. Nếu trước đây, các sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung được phân chia theo giai đoạn từ 0 - 6 tháng, 6 - 12 tháng và 1 - 3 tuổi thì nay, phần lớn sữa được chia theo 1 - 2 tuổi và trên 2 tuổi để phù hợp với quy định cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi. Cùng với đó, một số sản phẩm cũng bổ sung một số thành phần và tăng giá bán. Đơn cử: Sữa hộp Enfagrow số 4 mẫu cũ dành cho trẻ 3 tuổi trở lên, nay đã được đổi thành Enfagrow số 4 mẫu mới dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Nếu so sánh bao bì cũ với bao bì mới sẽ dễ nhận thấy, thành phần của sữa không thay đổi, nhưng giá của hộp sữa bao bì mới lại đắt hơn, thậm chí có loại tăng đến 30.000 - 40.000 đồng/hộp.

“Nhiều hãng sữa trước đây chiết khẩu cho đại lý lên đến vài chục nghìn đồng/hộp. Từ đó, đại lý cân đối để giảm giá cho khách hàng nhằm cạnh tranh nên có những sản phẩm, khách hàng được mua với giá thấp hơn đăng ký. Nay, hãng sữa cắt chi phí quảng cáo thì đại lý cũng bị cắt chiết khấu. Như vậy, giá sữa chỉ có thể giữ nguyên hoặc tăng, đừng mong gì giảm”, chủ một đại lý sữa giải thích.

M.Phương - T.Hà

Giá sữa vẫn vượt trần
Giá sữa vẫn vượt trần

Còn hơn 1 tháng nữa, việc áp trần giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ hết hiệu lực sau gần 1 năm áp dụng. Tuy nhiên giá sữa vẫn ở mức cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN