Nguyên nhân là do nguồn cung từ các nước sụt giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Công nghiệp, Nông nghiệp và Chăn nuôi (ALIC) của Nhật Bản, giá thịt bò nhập khẩu từ Mỹ đã bắt đầu tăng vào đầu Quý 2 năm nay. Cụ thể, giá bán buôn đối với thịt bò ba chỉ đông lạnh trong tháng 8 tăng tới 83% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá lưỡi bò đông lạnh tăng 78% và giá thịt bò thăn đông lạnh cũng tăng 23%.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường của ALIC, đằng sau sự tăng giá chóng mặt này là sự sụt giảm sản lượng của các nước xuất khẩu thịt bò lớn. Đặc biệt, hai nước cung cấp hàng đầu là Brazil và Australia đã giảm rất mạnh sản lượng do giá thức ăn chăn nuôi tăng và tốc độ hồi phục đồng cỏ tự nhiên chậm vì ảnh hưởng của hạn hán. Hiện Mỹ cũng chỉ duy trì một sản lượng nhất định trong bối cảnh thiếu lao động và giá cước vận tải tăng vì ảnh hưởng toàn diện của dịch bệnh COVID-19.
Trong khi đó, thời gian gần đây, nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia có mức độ tiêu thụ thịt bò vô cùng lớn, đang hồi phục mạnh với sự mở cửa trở lại của các nhà hàng ăn uống cùng các chính sách kích cầu tiêu dùng của chính phủ nước này. Sự cạnh tranh mạnh đến từ thị trường Trung Quốc khiến cho Nhật Bản khó có thể nhập khẩu được mặt hàng thịt bò với giá cả và số lượng theo yêu cầu của mình. Thậm chí, giới chuyên gia còn nhận định, nhu cầu tiêu thụ thịt bò của Trung Quốc sẽ còn tăng hơn nữa khi mặt hàng nhập khẩu này cũng đã tiếp cận đến các khu vực nông thôn, qua đó càng gây thêm khó khăn cho các nhà nhập khẩu của Nhật Bản.
Ông Akio Shibata, Viện các vấn đề về tài nguyên và lương thực Nhật Bản cho rằng, việc tăng giá lương thực nói chung và mặt hàng thịt bò nói riêng không phải là vấn đề tạm thời mà còn liên quan đến an ninh lương thực dài hạn. Mạng lưới cung ứng đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và nguy cơ xảy đến đối với các quốc gia dựa nhiều vào nhập khẩu thực phẩm bên ngoài như Nhật Bản là hiện hữu. Chính vì thế, để có được nguồn cung bền vững, Nhật Bản phải cân đối bằng cách mở rộng các cơ sở sản xuất trong nước, vốn bị đình trệ nhiều năm do tình trạng thiếu lao động phổ thông trong lĩnh vực nông nghiệp.