Giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.758,27 USD/ounce, sau khi chạm mức 1.770,41 USD/ounce trong ngày 4/10, mức cao nhất kể từ ngày 23/9. Giá vàng kỳ hạn Mỹ giảm 0,6% xuống 1.757,30 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác, trong khi thị trường chứng khoán mất điểm do những lo ngại về giá năng lượng tăng có thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Nhà phân tích thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương Jeffrey Halley của công ty dịch vụ tài chính OANDA cho hay giá vàng có thể giao dịch trong khoảng 1.750-1.785 USD/ounce trước lúc báo cáo việc làm cả Mỹ được công bố.
Ngoài lạm phát, mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung mong manh, cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande và sự bế tắc về mức trần nợ công của Mỹ đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng như là kênh đầu tư an toàn.
Mặc dù tình hình bất ổn sẽ hỗ trợ cho vàng ở mức độ nào đó, song quyết định về chính sách tiền tệ của Fed được xem là yếu tố tác động chính đến thị trường.
Báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ dự kiến sẽ cho thấy sự cải thiện của thị trường lao động, qua đó cho phép Fed bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích trước cuối năm. Việc quy mô chương trình hỗ trợ kinh tế thu hẹp lại và lãi suất tăng cao sẽ làm tăng lợi suất trái phiếu, gây áp lực cho vàng vì làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời.
Một số nhà phân tích cho biết tác động lên vàng có thể bị hạn chế do việc rút dần chương trình hỗ trợ đã được ấn định.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 22,48 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,9% xuống 958,83 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,1% lên 1.906,45 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, chiều ngày 5/10, giá vàng SJC được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,75 - 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Chiều 5/10, giá dầu châu Á mở rộng đà tăng
Trong phiên giao dịch chiều 5/10, giá dầu tại thị trường châu Á mở rộng đà tăng, sau khi các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới nhất trí tiếp tục tuân theo thỏa thuận hiện tại về việc tăng dần sản lượng dầu.
Chiều cùng ngày, giá dầu Brent tăng 23 xu Mỹ (0,3%) lên 81,49 USD/thùng, sau khi tăng 2,5% trong phiên trước, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 12 xu Mỹ (0,2%) lên 77,74 USD/thùng, sau khi tăng 2,3% trong phiên trước.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 tới theo thỏa thuận đạt được trước đó hai tháng. Quyết định trên được các bộ trưởng OPEC+ đưa ra sau cuộc họp trực tuyến cùng ngày, giữa bối cảnh OPEC+ đang chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ và Ấn Độ về việc tăng sản lượng sau khi giá dầu thế giới tăng 50% trong năm nay.
Đà tăng của giá dầu cùng với sức ép lạm phát đã làm dấy lên lo ngại rằng đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 sẽ chệch hướng. Trong khi đó, OPEC+ quan ngại rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ tư trên quy mô toàn cầu có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi nhu cầu dầu.
Theo công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics, quá trình bình thường hóa dần tăng trưởng nhu cầu và đà phục hồi của nguồn cung sẽ bắt đầu tác động lên giá dầu từ quý IV/2021.
Trong năm nay, tăng trưởng nhu cầu vượt nguồn cung đã đẩy giá dầu vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, song Capital Economics cho rằng tình trạng này sẽ đảo ngược khi OPEC+ tăng sản lượng.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò sơ bộ của hãng Reuters, lượng dầu tồn kho và sản phẩm chưng cất của Mỹ ước giảm trong tuần trước. Năm nhà phân tích được Reuters khảo sát ước tính lượng dầu tồn kho giảm khoảng 300.000 thùng trong tuần tính đến ngày 1/10.