Theo báo cáo của Sở Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, do mùa mưa kết thúc sớm, nên hiện nay, địa phương đang rơi vào tình thế rất khó khăn, đó là vấn đề nguồn nước. Tính đến ngày 24/5, tổng lượng nước ở 21 hồ chứa của tỉnh chỉ còn 23,78/194,49 triệu m3, chiếm hơn 12% dung tích thiết kế; trong đó đã có 17 hồ chứa đang cạn kiệt, một số hồ đã trơ đáy. Trước thực trạng trên, vụ Hè Thu năm 2020, Ninh Thuận phải dừng sản xuất với diện tích hơn 15.300 ha; trong đó, lúa hơn 10.800 ha, rau màu hơn 4.500 ha.
Bên cạnh đó, vấn đề nước sinh hoạt của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Từ đầu tháng 5 đến nay, toàn tỉnh có 180 hộ/703 nhân khẩu phải dùng nước sinh hoạt do chính quyền địa phương và lực lượng chức năng chở đến cấp. Nếu đến giữa tháng 6 tới trên địa bàn tỉnh không mưa, các khu vực có khả năng thiếu nước sinh hoạt cần phải chở nước phục vụ cho 12.100 hộ với gần 49.500 khẩu.
Do nhiều diện tích phải dừng sản xuất nên nguy cơ phát sinh thiếu đói giáp hạt của một bộ phận người dân trong tỉnh sẽ rất cao. Ngoài ra, hơn 110.000 con gia súc trong vùng hạn sẽ không còn thức ăn, nước uống, nguy cơ suy dinh dưỡng, phát sinh dịch bệnh và dẫn đến thiệt hại sẽ không nhỏ.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, ứng phó với hạn hán luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, với tinh thần: "Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi do tác động của hạn hán.
Ngoài tuyên truyền về diễn biến tình hình hạn hán, tỉnh cũng đã thực hiện phương án kết nối, liên thông các hệ thống hồ chứa để tiếp nước cho các vùng, khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất; chủ động phương án chở nước cấp cho người dân sinh hoạt.
Tỉnh cũng tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ứng phó với hạn, đặc biệt là công trình cấp nước nông thôn thuộc chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn với tinh thần khẩn trương, cấp bách để sớm đưa công trình vào sử dụng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy nhanh thực hiện giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, sớm đưa công trình hệ thống thủy lợi Tân Mỹ vào sử dụng; đồng thời tiếp tục rà soát, có phương án cụ thể giải quyết tạm thời nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân trong thời gian công trình chưa hoàn thành, đặc biệt là công trình tuyến đường ống kênh chính Tân Mỹ và các kênh nhánh…
Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, với khó khăn đó, UBND tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để tỉnh có điều kiện triển khai kịp thời các phần việc có liên quan, nhằm sớm ổn định đời sống dân sinh…
Tỉnh Ninh Thuận cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước bền vững, mở rộng đường ống các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn; đầu tư kết nối liên thông các hồ chứa; mở rộng hệ thống kênh chính, kênh dẫn và cửa lấy nước thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.
Tỉnh Ninh Thuận cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước bền vững, mở rộng đường ống các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn; đầu tư kết nối liên thông các hồ chứa; mở rộng hệ thống kênh chính, kênh dẫn và cửa lấy nước thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.
Ông Lưu Xuân Vĩnh khẳng định, công trình thủy lợi Tân Mỹ là trái tim của tỉnh Ninh Thuận, do đó Bộ cần bổ sung công trình này thành kênh đa mục tiêu để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt và sản xuất trong tỉnh. Để đảm bảo kế hoạch giải ngân năm 2020 và sớm hoàn thành các mục tiêu của dự án công trình hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh đề nghị Bộ sớm điều chỉnh phê duyệt hồ sơ thiết kế đoạn kênh chính từ K21+827 đến K cuối (đoạn cuối cùng); qua đó làm cơ sở tổ chức giải phóng mặt bằng, triển khai thi công để sớm phát huy hiệu quả công trình.
Bên cạnh đó, Bộ có chính sách bổ sung thực hiện và nhân rộng các mô hình tưới tiêu cho vùng bán sa mạc kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo tại xã An Hải, huyện Ninh Phước; đồng thời quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân khôi phục sản xuất sau vụ Hè Thu 2020; khẩn trương hỗ trợ gạo cứu đói cho hơn 72.700 người dân do không sản xuất được từ vụ Hè Thu 2019 đến nay với dự tính hơn 1.000 tấn gạo.
Ngoài ra, Bộ xem xét giải quyết các vướng mắc trong triển khai Luật Thủy sản 2017 cũng như vướng mắc trong lĩnh vực lâm nghiệp và sớm chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích khác để tỉnh thực hiện các dự án trọng điểm ứng phó với hạn hán, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là các dự án Hồ chứa nước Sông Than; hồ chứa nước Kiền Kiền; khu du lịch sinh thái Bãi Hõm; nhà máy điện mặt trời Phước Minh kết hợp với trạm biến áp và đường dây truyền tải 500kV/220kV Thuận Nam.
Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường rất chia sẻ với những khó khăn của tỉnh; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong thực hiện biện pháp ứng với hạn hán trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian qua tuy đối mặt với nhiều khó khăn về hạn hán nhưng Ninh Thuận đã chủ động biến bất lợi thành lợi thế để phát triển một cách đồng bộ với hàng loạt các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo….
Ninh Thuận đã sớm có kế hoạch, kịch bản cụ thể để thực hiện ứng phó với hạn kịp thời từ vụ Đông Xuân 2019 - 2020; giải quyết được bài toán nguồn nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc; qua đó hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra cho đến thời điểm này.
Dù vậy, Ninh Thuận phải thường xuyên tổ chức giao ban, quản lý, tính toán cụ thể nguồn nước, không để một người dân nào bị thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước cho gia súc; phải dự đoán để có biện pháp xử lý khẩn cấp khi có tình huống xấu nhất xảy ra nếu như từ nay đến cuối tháng 8 tới không mưa.
Bên cạnh đó, tỉnh rà soát lại cơ cấu kinh tế để có hướng tái cơ cấu phù hợp. Riêng về nông nghiệp, tỉnh phải xây dựng nền nông nghiệp đặc hữu, nông nghiệp sa mạc, nông nghiệp đa canh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy trình khép kín và phải giữ nền kinh tế tuần hoàn để phù hợp với đặc thù ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về hệ thống thủy lợi, Ninh Thuận là địa phương được đầu tư nhiều nhất với 21 hồ chứa đã có. Hiện nay tỉnh cũng có nhiều công trình thủy lợi lớn đang thi công như công trình hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, hồ chứa nước Sông Than với dung tích chứa khoảng 85 triệu m3… Như vậy, nếu tận dụng tốt và khai thác có hiệu quả công trình thì đến năm 2025, Ninh Thuận sẽ cơ bản giải quyết được bài toán về nguồn nước tưới.
Tuy nhiên, Ninh Thuận phải định dạng được chiến lược phát triển hệ thống thủy lợi lâu dài, bền vững và mang tính căn cơ. Trước mắt, tỉnh phải tập trung nguồn nhân lực để thực hiện các công trình chính xuất phát từ các công trình thủy lợi; nghiên cứu, đổi mới căn bản quản lý để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi.
Đối với những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị UBND tỉnh cần rà soát, làm rõ những nội dung để Bộ quyết. Với nhóm vấn đề về lâm nghiệp và thủy sản, Bộ trưởng đề nghị tỉnh phải có sự chuẩn bị để các cơ quan của Bộ sớm có buổi làm việc với địa phương để giải quyết kịp thời những vấn đề có liên quan.
Trước đó, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra tiến độ thi công công trình hệ thống thủy lợi Tân Mỹ do Bộ làm chủ đầu tư. Đoàn cũng đến thăm một số mô hình trồng rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở hướng nhân rộng.