Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” là nhiệm vụ rất quan trọng trước mắt. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương thì chúng ta tin tưởng sẽ sớm gỡ được “thẻ vàng”, như theo Quyết định 81/QĐ-TTg là gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế thì còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với thế giới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” rất tỉ mỉ, cụ thể, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, con người để chúng ta có kết quả cao nhất khi Đoàn Thanh tra của EC vào kiểm tra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, qua kiểm tra lần 3, EC đã khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng, có sự chuyển biến tích cực, nhưng để gỡ “thẻ vàng” chưa đáp ứng được yêu cầu.
Riêng về quản lý và giám sát đội tàu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đây là bài toán rất lớn. Mặc dù cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình cho trên 95% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt nhưng số còn lại là đối tượng có nguy cơ cao. Cùng với đó, tàu vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn.
Thông tin về kế hoạch hành động và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 dự kiến vào tháng 6/2023, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, có nhiều nhiệm vụ mà các đơn vị chức năng phải hoàn thành 100%, như: đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS); cập nhật dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; giám sát và truy xuất nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ; điều tra, xử lý tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xác minh, xử lý các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình…
Là một trong những địa phương rất quan tâm và hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá rất sớm nhưng vừa qua tỉnh Bình Định vẫn có tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Nguyên nhân được ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bình Định chỉ ra là tàu vi phạm thuộc nhóm tàu có chiều dài dưới 15m (không bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình) và tàu chủ yếu hoạt động ở ngoài tỉnh.
Để quản lý các tàu này, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh sẽ rà soát chi tiết các tàu đã bán cho các tỉnh, thành khác thì sẽ phải làm thủ tục chuyển đổi. Một số tàu thì chủ tàu của tỉnh nhưng thuyền trưởng ở địa phương khác, tỉnh sẽ theo dõi sát sao và với hướng là sẽ không cấp phép cho các tàu này. Tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề với những tàu như thế này.
Thực hiện Quyết định hành động của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài.
Với trường hợp tàu cá có chiều dài dưới 15m vi phạm vừa qua, ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh, đây là tàu không được phép hoạt động ở vùng khơi. Do đó, các lực lượng chức năng nếu phát hiện tàu hoạt động ở vùng khơi đều có thể xử phạt vi phạm.
Đưa ra giải pháp quản lý tàu cá của địa phương, đại diện UBND tỉnh Bến Tre cho biết, với những trường hợp tàu ra vùng giáp ranh bị mất kết nối, tỉnh thông báo với các lực lượng chức năng kiểm tra. Các tàu vi phạm đều tỉnh được ra quyết định xử phạt. Nhiều tàu sau khi vi phạm bỏ tàu đi địa phương khác làm ăn nhưng lực lượng công an tỉnh vẫn tìm để xử phạt hoặc thực hiện kê biên tài sản.
Địa phương này cũng cho biết, thường vào tháng 4 đến tháng 6 vùng biển phía Nam rất thuận lợi cho khai thác, tàu vi phạm sẽ chủ yếu vào thời điểm này. Lực lượng chấp pháp sẽ cần tăng cường kiểm tra ở các vùng biển này. Các trường hợp tàu có nguy cơ vi phạm cao, tàu mất kết nối, tàu ở vùng giáp ranh… địa phương thông báo cho các lực lượng chấp pháp theo dõi, kiểm tra.
Về phối hợp xử lý, xác minh thông tin, ông Phạm Văn Hoạt, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng cho biết, khi phát hiện có nghi vấn và thông tin với địa phương để phối hợp xử lý còn có sự chậm trễ. Điều này dẫn tới việc xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn. Do đó, địa phương cần bố trí lực lượng trực xử lý thông tin cả với ngày nghỉ, lễ.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng tháo chuyển thiết bị giám sát hành trình, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu việc lắp đặt sao cho không thể tháo gỡ được thiết bị, ông Phạm Văn Hoạt đề xuất.