Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dự kiến hết năm nay, nợ công Việt Nam khoảng 61,3% GDP. Dù tỉ lệ này vẫn nằm dưới ngưỡng mức trần cho phép 65% nhưng không ít chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại về quy mô nợ công tăng nhanh. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Theo các thống kê chính thức của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục có xu hướng tăng. Cụ thể: Thâm hụt ngân sách là 5,4% GDP vào năm 2012; 6,6% GDP vào năm 2013 và ước tính 5,7% GDP vào năm 2014, cao hơn rất nhiều so với mức trần 5% GDP quy định bởi Quốc hội cho giai đoạn 5 năm (2011 - 2015).
Cùng với thâm hụt ngân sách là sự gia tăng nhanh của nợ công. Ước tính đến cuối năm 2014, nợ công Việt Nam đã lên tới khoảng 59,6% GDP và dự kiến tiệm cận rất gần với mức trần nợ công 65% cho phép vào năm 2015. Trong khi đó, cần lưu ý thêm là, có rất nhiều khoản chi tiêu công được để ngoài bảng tính nợ công hiện nay, đặc biệt là các khoản chi từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư phát triển. Trong những năm qua, Chính phủ đã phải đứng ra trả nợ thay; hoặc bảo lãnh trả nợ thay cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Những khoản nợ này (đặc biệt là những khoản nợ có nguy cơ cao trở thành nợ công) đều không được hạch toán vào con số thống kê nợ công chính thức.
Theo tôi, việc bỏ sót những khoản nợ tiềm ẩn của DNNN có nguy cơ trở thành nợ công có thể khiến rủi ro nợ công bị xem nhẹ.
Thưa ông, Chính phủ đang phải thực hiện hàng loạt chương trình phát hành trái phiếu, cả trong nước lẫn quốc tế để đảo nợ. Biện pháp này có bảo đảm vẫn giữ nợ công được kiểm soát an toàn hay không? Giải pháp phát hành trái phiếu của Chính phủ, được thực hiện với mục đích vay nợ mới với ưu điểm lãi suất thấp hoặc kỳ hạn dài hơn để trả cho các khoản nợ cũ. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách thâm hụt như hiện nay, thậm chí đã phải đi vay một phần để tiêu dùng thì khó có thể đảm bảo rằng, những khoản vay mới này sẽ được dùng để trang trải những khoản nợ cũ.
3 tỷ USD trái phiếu quốc tế: Cần đến đâu phát hành đến đấy
Đề cập việc Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 3 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Việc phát hành cần đảm bảo nguyên tắc cần đến đâu phát hành đến đó và trước khi đi vay phải cân nhắc giữa việc vay trong nước có lợi hơn hay vay nước ngoài có lợi hơn. Số tiền 3 tỷ USD là mức trần mà Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội cho phép để thực hiện trong giai đoạn từ 2015 - 2016, không phải Quốc hội đồng ý là tiến hành phát hành ngay, phát hành hết 3 tỷ USD, mà phải tính đến yếu tố hiệu quả sử dụng tiền vay, giữa trong và ngoài nước, giữa ngắn hạn và dài hạn. |
Theo tôi, kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu trên thị trường quốc tế nhằm tái cơ cấu nợ công chưa phải là giải pháp an toàn trong bối cảnh tỷ giá bất ổn như hiện nay. Lãi suất quốc tế có thể thấp hơn đôi chút nhưng nếu thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp tục diễn ra và đồng USD mạnh lên khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thắt chặt tiền tệ thì gánh nặng trả lãi nợ công sẽ tăng lên.
Tôi cho rằng, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng, thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chi tiêu quá nhiều. Tổng thu NSNN và viện trợ trung bình trong 4 năm gần đây đạt khoảng 24% GDP với tốc độ tăng khoảng 10,4%/năm. Trong cùng thời gian đó, tổng chi ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc lên tới 31,5% GDP. Tuy nhiên 2 năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ NSNN.
Các biện pháp Chính phủ đang thực hiện lại phần nhiều tập trung tìm kiếm các nguồn thu tạm thời và chưa chú trọng kiểm soát các khoản chi lãng phí ở các địa phương. “Vay nóng” Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bán doanh nghiệp và tài sản nhà nước hay phát hành trái phiếu ngắn hạn... đều chỉ là các biện pháp xoay xở tạm thời.
Vậy theo ông, giải pháp nào mới xử lý được gốc của vấn đề ngân sách và nợ công?
Khi chi tiêu công chưa được cắt giảm một cách bền vững thì dù có tăng được nguồn thu trong nước thế nào, bán được bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước và phát hành thành công trái phiếu quốc tế ra sao cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Do vậy, chỉ có cải cách chi tiêu công mới mong duy trì được an toàn nợ công trong tương lai.
Theo tôi, trước tiên là cần phải thực thi các kỷ luật tài khóa một cách nghiêm minh. Mục đích của kỷ luật tài khóa nhằm đưa ra định hướng cho chính sách tài khóa nhằm đảm bảo an ninh tài khóa trong dài hạn. Bên cạnh đó, việc minh bạch thông tin và gắn trách nhiệm của việc tuân thủ kỷ luật tài khóa tới từng cá nhân là điều cần thiết. Tiếp theo, hoạt động của NHNN trong mối quan hệ với NSNN cũng cần phải được giám sát chặt chẽ bởi Quốc hội.
Đặc biệt, việc duy trì an toàn nợ công không có cách gì khác hơn là phải bắt nguồn từ việc cắt giảm chi tiêu công, bất kể là chi đầu tư hay thường xuyên. Tỷ trọng chi thường xuyên/chi đầu tư phải được tiết giảm về mức phù hợp. Cắt giảm chi tiêu công và quy mô của Chính phủ là việc làm rất khó khăn bởi nó thường gặp sự phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây là một việc không thể né tránh nếu muốn duy trì an toàn tài khóa trong tương lai. Tôi cho rằng, một chương trình cải cách chi tiêu công toàn diện nghiêm túc cần phải được nghiên cứu và thực hiện, bao phủ các nội dung từ việc xây dựng các quy tắc chi tiêu, cơ chế phân bổ và phân cấp chi tiêu, phân loại chi tiêu, xác định phạm vi tài trợ của ngân sách... Những nội dung của chương trình cải cách này phải tạo ra được các khuyến khích cũng như chế tài sao cho hướng tới giảm thiểu được các chương trình công chi tiêu lãng phí.