Giảm diện tích lúa, tăng cây màu và nuôi thủy sản

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, để thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Đồng Tháp chủ trương không tăng diện tích ba vụ lúa trong năm mà thay thế bằng cây màu, nuôi trồng thủy sản phù hợp.

Huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trồng hơn 1.000ha ớt các loại. Năng suất đạt từ 15 đến 25 tấn/ha, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha, gấp 2-3 lần trồng lúa.

Những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu trong năm 2016 và đầu năm 2017 dẫn tới năng suất trồng lúa của tỉnh Đồng Tháp bị giảm thấp. Thêm nữa là do áp dụng kỹ thuật sản xuất chưa phù hợp cũng khiến cây lúa giảm năng suất và chi phí tăng cao.

Cùng với đó, do sản xuất lúa liên tục, lũ nhỏ, thiếu phù sa, đất bị chay, thời tiết nắng nóng, dịch hại dễ tấn công, nên mô hình sản xuất lúa tăng vụ (3 vụ/năm) không những không giúp nông dân làm giàu mà ngược lại còn khiến nông dân nghèo đi. Nhiều diện tích trồng lúa trên địa bàn tỉnh bị sụt giảm năng suất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, cho biết nếu năm 2011, năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt hơn 7,1 tấn/ha thì năm 2016 giảm xuống còn 6,8 tấn/ha, đến năm 2017 giảm xuống còn 5,3 tấn/ha. Trước đây, chi phí sản xuất lúa khoảng 3.600 đồng đến 4.100 đồng/kg, thì nay tăng 4.200 đồng/kg.

Trước tình hình đó, nhằm giúp nông dân có cái nhìn toàn cảnh về những biến động của thời tiết và có những điều chỉnh kỹ thuật sản xuất phù hợp, tỉnh Đồng Tháp triển khai giải pháp Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích nghi với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười với phạm vi thực hiện trên diện tích 22.313ha.

Dự án đảm bảo điều kiện sinh kế tốt hơn cho 11.400 hộ dân ở các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự có tổng kinh phí hơn 664 tỷ đồng với 3 mô hình sinh kế là mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ trữ cá tự nhiên; mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ nuôi cá đồng và mô hình 2 vụ lúa 1 vụ tôm càng xanh.

Cùng với đó là các giải pháp công trình và phi công trình như nâng cấp đê bao, xây dựng cống; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi sản xuất bằng hình thức nuôi trữ thủy sản tự nhiên, canh tác cây thủy sinh; xây dựng hợp tác xã, tập huấn cho người dân kỹ thuật sản xuất, bảo quản nông sản.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Đại học Nam Cần Thơ, biến đổi khí hậu ở Đồng Tháp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, để đối phó cần tăng khả năng chịu đựng và phục hồi của hệ thống, khai thác khả năng thích ứng với hạn hán, đặc biệt sử dụng nước ngọt một cách thật tiết kiệm và thông minh. Thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải hoạch định chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tốt, như xây dựng khu vực bao đê để trồng cây ăn quả có giá trị thay cây lúa; chọn giống cây trồng cho khả năng chịu nhiệt, ngập nước, và độ mặn; kháng những loại côn trùng và bệnh mới.

GS.TS Xuân cũng khuyến cáo nông dân, trong sản xuất lúa cần chấm dứt bón phân quá nhiều và phải bón cân đối hữu cơ cộng với NPK, đồng thời chú trọng bón lót. Đi đôi với việc áp dụng phương pháp sạ khô lúa hè thu sớm rồi cấy lấp thêm vụ lúa trung mùa chính vụ; không đốt rơm. Sử dụng rơm và gốc rạ nuôi trâu bò, lấy phân bỏ ủ thành phân hoặc dùng cho biogas, hoặc sản xuất nấm rơm. Sau đó trả rơm mục trở về đất ruộng.

Còn theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp cần nghiên cứu giải pháp trồng lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước hết né tránh những điều kiện bất lợi gây ra cho cây lúa. Khai thác có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khí hậu để giảm chi phí trồng lúa, tái sử dụng phụ phế phẩm. Chọn lọc kỹ lưỡng những thành tựu khoa học - kỹ thuật được giới thiệu khi đưa vào sản xuất.

Theo định hướng sản xuất lúa năm 2017 và những năm tiếp theo của tỉnh Đồng Tháp, trong sản xuất lúa nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là bố trí mùa vụ, thời vụ hợp lý các vùng sản xuất 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa - 1 vụ thủy sản; vùng 2 lúa - 1 màu; chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn là 90 ngày; rà soát lại hệ thống đê bao bảo đảm an toàn trong mùa lũ, chủ động tưới tiêu trong mùa nắng.

Đối với các vùng gò cao, cù lao chuyển 2 lúa - 1 màu hoặc 2 màu - 1 lúa , các loại cây trồng, vật nuôi có khả năng tiêu thụ, chế biến lớn như: vừng, đậu tương, ngô, khoai… phù hợp với điều kiện đất đai, sinh thái, nguồn nước, thời tiết; đồng thời không bị ảnh hưởng lẫn nhau bởi dịch bệnh hoặc xung đột lợi ích, diễn biến và nguy cơ phát sinh các đối tượng dịch hại trong điều kiện biến đổi khí hậu để có giải pháp ứng phó hiệu quả.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Khẩn trương kiểm tra việc nuôi tôm hùm đỏ tại Đồng Tháp
Khẩn trương kiểm tra việc nuôi tôm hùm đỏ tại Đồng Tháp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xác minh, kiểm tra mọi vấn đề liên quan đến việc nuôi tôm hùm đỏ tại tỉnh Đồng Tháp của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN