Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm phòng diện rộng để phòng dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lây lan rộng.
Ngành cũng chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm...
UBND tỉnh Ninh Bình hiện đã yêu cầu các địa phương tiếp nhận, phân bổ vaccine theo đúng quy định, bố trí nhân lực, vật tư, hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tiêm phòng trên địa bàn đảm bảo nhanh, gọn, hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người chăn nuôi hợp tác trong công tác tiêm phòng và thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc sau tiêm.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, tỉnh Ninh Bình đã trích ngân sách mua 30.000 liều vaccine hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tiêm phòng trên diện rộng để phòng dịch.
Trong số đó, huyện Nho Quan đã nhận về 11.700 liều, huyện Yên Khánh 5.500 liều, huyện Gia Viễn 3.500 liều, thành phố Tam Điệp 3.000 liều... Tỉnh phấn đấu hoàn thành việc tiêm phòng trước ngày 15/5.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện ở 82 xã, phường, thị trấn thuộc 7/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với tổng số hơn 2.000 con trâu, bò mắc bệnh; trong đó, đã chết và buộc phải tiêu hủy 139 con.