Trong những năm qua, Nam Định luôn xác định phát triển hạ tầng giao thông là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.Tuyến đường Nam Định - Phủ Lý hoàn thành và đưa vào khai thác từ đầu năm 2014 kết nối giao thông Nam Định và các tỉnh trong vùng giao thương với cửa ngõ Thủ đô. |
Phát triển hệ thống giao thông huyết mạchTháng 7/2011, Tỉnh ủy Nam Định đã có Nghị quyết 08-NQ/TU về phát triển giao thông nông thôn với mục tiêu tập trung xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy sản xuất phát triển và cải thiện đời sống nhân dân. Sau đó một năm, UBND tỉnh đã có Quyết định 1351/QĐ-UBND về việc "điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", tiếp tục khẳng định "phát triển hệ thống GTVT một cách khoa học, ổn định, bền vững đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và kết nối bền vững".
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, trong những năm gần đây, ngành GTVT của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ, triển khai thực hiện các biện pháp đẩy mạnh quản lý đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải, ưu tiên tập trung cho dự án, công trình có khả năng hoàn thành phục vụ cho nhiệm vụ bức thiết. Đồng thời đảm bảo sự hài hòa, đồng bộ với các mục tiêu lâu dài trên tất cả các lĩnh vực. Nam Định đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường giao thông huyết mạch nhằm tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và phát triển KT-XH.
Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội của tỉnh đạt 108,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,91 lần so với giai đoạn 2006-2010, chỉ tính riêng huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2014 đạt 5.367 tỷ đồng. Nam Định đã hoàn thành việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới và đưa vào sử dụng 172 km đường quốc lộ; 110 km đường tỉnh lộ và hàng ngàn km đường liên thôn, liên xã như: quốc lộ 21, quốc lộ 37B, quốc lộ B, tỉnh lộ 490C, tỉnh lộ 485, tỉnh lộ 488C, tỉnh lộ 489... Đặc biệt tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý đã được Bộ GTVT chính thức đưa vào quy hoạch mạng lưới đường cao tốc quốc gia. Đây là tuyến đường chiến lược kết nối giao thông Nam Định và các tỉnh trong vùng giao thương với cửa ngõ Thủ đô; giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hạ tầng giao thông đường thủy cũng được quan tâm phát triển với dự án cải tạo cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) - một trong những hợp phần của dự án WB6 được khởi công đầu năm 2014 và đang thực hiện thi công với tổng mức đầu tư 80 triệu USD. Dự án kênh kết nối sông Đáy - Ninh Cơ dự kiến được triển khai thi công vào năm 2016. Đây là một trong những dự án giao thông đường thủy có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hiệu quả khai thác giao thông thủy nội địa và kết nối giao thông thủy nội địa quốc gia thông qua hình thức vận tải pha sông biển, giúp cho tàu pha sông biển có trọng tải 1.000 - 3.000 tấn đến cảng Ninh Phúc và các cảng trên sông Hồng, sông Ninh Cơ.
Cùng với hệ thống giao thông quốc lộ và tỉnh lộ, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng được tập trung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh; đường huyện và đường liên xã cơ bản đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Bằng nguồn vốn từ ngân sách địa phương, vốn và nhân công của nhân dân đóng góp đã xây mới, nâng cấp, cải tạo bảo trì được 5.456 km đường giao thông nông thôn (trong đó 3.533 km đường giao thông nông thôn đạt cấp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới), 5.703 cầu, cống dân sinh, thủy lợi. Đến nay, đã có 100% số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 83%; đường trục thôn, xóm được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 81%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi đạt 37%. Hàng trăm km đường xã từ nguồn WB3, WB4 được trung ương hỗ trợ đã cải thiện đáng kể hệ thống giao thông nông thôn. Điều đáng ghi nhận là trong 5 năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã thu hút hàng ngàn hộ dân hăng thái tham gia với các hình thức tự nguyện hiến đất, tham gia thi công, giám sát cộng đồng đem lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nam Định đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, tập trung huy động nguồn lực tài chính ưu tiên đầu tư vào kết cấu hạ tầng đô thị, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị của thành phố đã có bước phát triển rõ rệt với nhiều hạng mục quan trọng nhằm mở rộng không gian đô thị, phát triển KT-XH, góp phần xây dựng thành phố Nam Định đạt chuẩn Đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Tạo bước đột phá
Đến năm 2015, tỉnh Nam Định đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối với hệ thống giao thông quốc gia nhất là về đường bộ, thực hiện được yêu cầu hạ tầng giao thông đi trước một bước. Việc triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến đường giao thông nông thôn đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, đáp ứng mong mỏi của nhân dân địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và hạn chế tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Hạ tầng giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp đã thu hút các nhà đầu tư đến Nam Định, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp "giao thông đi trước một bước", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2015. Ông Lê Nguyên Khính, Giám đốc Sở GTVT Nam Định cho biết, trong giai đoạn tới ngành GTVT Nam Định tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ và Bộ GTVT để từng bước thực hiện các dự án giao thông quan trọng của tỉnh. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo yêu cầu tiến độ của các dự án. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác đảm bảo giao thông. Tổ chức thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa, khai thác và bảo vệ hệ thống cầu, đường, bảo vệ an toàn hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh theo phân cấp...
Hiện nay, Nam Định đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình với nhiều dự án, tuyến đường trọng điểm như: Dự án tỉnh lộ 490B (nay là tuyến đường trục phát triển tỉnh Nam Định từ Cao Bồ đến Khu công nghiệp Rạng Đông), Dự án nâng cấp đường 487 tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an ninh quốc phòng tỉnh Nam Định, quốc lộ 37B, quốc lộ B, các dự án cầu Bến Mới, Đống Cao, Ninh Cường, Cồn Nhất, Sa Cao, đặc biệt là dự án cầu Tân Phong đã được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Những tuyến đường huyết mạch này sẽ góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với các loại hình vận tải khác hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững KT-XH của tỉnh và kết nối vùng, Nam Định sẽ tiếp tục tập trung một số nội dung cụ thể: Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đưa tuyến tỉnh lộ 490B (từ Cao Bồ, huyện Ý Yên - Thịnh Long, huyện Hải Hậu) vào quy hoạch hệ thống đường cao tốc; đưa tuyến đường bộ ven biển thành quốc lộ và ưu tiên đầu tư xây dựng đường kết hợp đê biển, xây dựng cầu Quỹ Nhất vượt sông Đáy và cầu Giao Thiện vượt sông Hồng; tiếp tục hoàn thành các dự án đường giao thông huyết mạch: tỉnh lộ 487, 488, quốc lộ 37B, B...; xây dựng xong một số cầu lớn: Thịnh Long, Tân Phong, Đống Cao, Bến Mới và chuẩn bị dự án các cầu: Ninh Cường, Sa Cao. Xây dựng Cảng sông Nam Định mới trên sông Hồng, đường trục chính Khu kinh tế Ninh Cơ và thực hiện phân kỳ đầu tư quốc lộ 21B và tỉnh lộ 490B theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Hoàn thành các dự án về phát triển hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; cải thiện điều kiện đi lại và hệ thống an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy.