Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, những năm qua, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng từ 8-10% năm. Nhu cầu vật liệu xây cũng tăng qua các năm.
Sau 10 năm triển khai các nhiệm vụ được giao trong Quyết định 567/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và gần 4 năm thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Năng lực sản xuất vật liệu xây không nung đạt 9,4 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm chiếm 30% tổng lượng gạch xây; công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung ngày càng hiện đại; chất lượng sản phẩm vật liệu xây không nung ngày càng được nâng cao; chủng loại, mẫu mã sản phẩm vật liệu xây không nung ngày càng phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động trong việc chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung có giá cạnh tranh với dây chuyền, thiết bị nhập khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ và nhiều công việc cần phải tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, một trong những mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (Chương trình 567) là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20 - 25% vào năm 2015 và đạt từ 30 - 40% vào năm 2020.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình 567, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đã có sự chuyển biến tích cực. Các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất vật liệu xây không nung đã từng bước được đầu tư, phát triển. Sản phẩm vật liệu xây không nung đa dạng phong phú về chủng loại, gồm gạch bê tông (gạch xi măng cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp, gạch bê tông bọt, tấm bê tông rỗng đùn ép (Acotec), tấm tường bê tông khí chưng áp. Chất lượng sản phẩm vật liệu xây không nung từng bước được hoàn thiện và nâng cao.
Hiện cả nước có trên 1.600 cơ sở vật liệu xây không nung, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên QTC/năm - chiếm khoảng 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây những vẫn ở ngưỡng thấp so với mục tiêu của Chương trình 567. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các cơ sở vật liệu xây không nung cũng mới chỉ phát huy từ 45-50% công suất thiết kế.
Với sản lượng trên, hàng năm đã tiết kiệm khoảng 7,5 triệu m3 đất sét, tương đương 375 ha đất khai thác ở độ sâu 2m, giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than và giảm thải ra môi trường khoảng 2,85 triệu tấn CO2. Đây là kết quả ấn tượng góp phần giảm thải gây ô nhiễm môi trường và giảm quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp.
Cũng trong giai đoạn 10 năm qua, việc thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công đã được các địa phương thực hiện rất quyết liệt. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công lạc hậu đã chấm dứt hoạt động...
Thế nhưng, việc phát triển vật liệu xây không nung còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: hệ thống tiêu chuẩn, định mức, các giải pháp thi công, hướng dẫn thi công, nghiệm thu chưa được ban hành kịp thời cho các chủng loại sản phẩm mới ra thị trường – ông Bắc chia sẻ.
Hiện các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung đã được ban hành nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện đầy đủ; doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi. Sản lượng gạch đất sét nung còn chiếm tỷ trọng lớn, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây không nung.
Trên thực tế, một số cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ cũ cho ra sản phẩm có chất lượng thấp nhưng vẫn được bán ra thị trường. Những sản phẩm này đã dẫn đến các sự cố như nứt, thấm tường, ảnh hưởng chất lượng công trình khiến lòng tin của người sử dụng đối với sản phẩm vật liệu xây không nung bị giảm sút. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân chưa được đào tạo bài bản khiến thi công còn xảy ra “lỗi”...
Ông Đào Đức Diễn, Công ty CP Đầu tư và công nghệ Đức Thành, xử lý tro xỉ là vấn đề thách thức đặt ra nhằm bảo đảm môi trường, đồng thời cũng là yêu cầu biến chất thải thành nguồn nguyên liệu quý mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội. Nếu xử lý qua công nghệ tuyển tro đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng và quy chuẩn thì có thể sử dụng cho nhiều lĩnh vực như: công nghiệp xi măng; tro bay làm phụ gia bê tông khối lớn; bê tông thông thường; làm đường giao thông; nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây không nung.
Để thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung, Bộ Xây dựng đề xuất Nhà nước hỗ trợ kịp thời về vốn vay đầu tư, vốn để sản xuất, kinh doanh, chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu xây không nung. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp về khoa học công nghệ, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm vật liệu xây không nung, thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng vật liệu xây không nung.
Việc tuyên truyền để các nhà quản lý, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và người dân hiểu hết những lợi ích của vật liệu xây không nung như cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng công trình… cần được tăng cường để hình thành ý thức, trách nhiệm sử dụng vật liệu xây không nung thay cho sử dụng gạch đất sét nung.
Về đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, năm 2020, một số Tập đoàn như Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà máy nhiệt điện BOT… có tổng lượng tiêu thụ tro, xỉ nhiệt điện khoảng 34,5 triệu tấn tương đương 42% tổng lượng phát thải qua các năm.
Trong số đó, tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng ước khoảng 24 triệu tấn (70%); sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn (12%); làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt) ước khoảng 3 triệu tấn (8%) và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn (9%).
Một số nhà máy nhiệt điện tiêu thụ khá tốt như: Nhiệt điện Uông Bí, Ninh Bình đạt 100%, Hải Phòng 98%; Thái Bình, Phả Lại 71%; Nghi Sơn 1, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3 khoảng 85%...
Mặc dù lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ được khoảng 34,5 triệu tấn tương đương với 44% tổng lượng phát thải qua những vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra tại Quyết định 452 là 52%.
Việc tro xỉ, thạch cao tiêu thụ còn chậm chủ yếu do một số nguyên nhân liên quan đến chi phí vận chuyển lớn; khó khăn về kỹ thuật; các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành đầy đủ...
Nhằm khắc phục những tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện những giải pháp.
Đó là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn nhà nước ngoài ngân sách, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng vốn nhà nước phải sử dụng tro, xỉ vào các dự án giao thông. Cơ quan chức năng cần giám sát thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc diện tích bãi thải chỉ chứa lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình và không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ, thạch cao đã được phê duyệt…