Xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt từ những nước trong khu vực. Bên cạnh đó, cơ chế bó buộc trong xuất khẩu cũng đang là rào cản với một số doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần mạnh dạn gỡ các nút thắt để phát huy lợi thế của hạt gạo Việt Nam.Lợi ích xuất khẩu không đồng đềuTheo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đạt 4,06 triệu tấn, giảm mạnh về số lượng và giảm giá trị (-8,6% và -13,1% tương ứng).
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành lúa gạo đang chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ những nước láng giềng và trong khu vực. Myanmar, Campuchia, Phillipines, Trung Quốc… từ chỗ phải nhập khẩu gạo nhiều, đã dần dần tự túc được nguồn cung, tiến tới xuất khẩu gạo, gây áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường gạo.
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc xuất khẩu gạo. Ảnh: Mạnh Linh- TTXVN
|
Vì vậy, theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, xuất khẩu gạo từ đầu năm tới nay chậm nhưng DN vẫn phải xin phép mới được xuất. Đây là một nghịch lý cần phải được tháo gỡ. Hơn nữa, mức hạn điền không quá 3 ha đối với trồng lúa cũng đang là rào cản cho nông dân tiến hành sản xuất lớn.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định khẳng định, để đảm bảo đầu ra ổn định cho xuất khẩu gạo, thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hướng mạnh xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước. |
Cùng quan điểm trên, TS Trần Văn Khởi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, Thái Lan có thủ tục xuất khẩu gạo rất đơn giản, với loại bao dưới 12 kg thì không cần xin phép để xuất khẩu. Trong khi, chúng ta lại quá khắt khe trong việc xin giấy phép, khiến việc xuất khẩu gạo chỉ nằm trong tay một số doanh nghiệp có quyền lợi.
Còn theo GS.TS Vũ Văn Viết - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các bộ giống lúa xuất khẩu chủ yếu hướng tới các thị trường dễ tính, giá bán thấp, chưa có các giống lúa thơm, chất lượng cao tương đương Khao Dawk Mali 105 (Hom Mali) hay Basmati của Pakistan và Ấn Độ.
Vì vậy, chất lượng gạo không cao, giá bán thấp. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan 10 - 15 USD/tấn. Đáng chú ý, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất lúa lại cao hơn rất nhiều các nước, hiện ở mức 13%, trong khi Thái Lan từ 6,1 - 9,1%, Ấn Độ là 6%.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh mới, sản xuất lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong 10 năm tới, với mức tăng bình quân 1,5%/năm. Tuy nhiên, một số quốc gia hiện đang đẩy mạnh sản xuất lúa gạo như Myanmar, Campuchia, Trung Quốc... nên trong tương lai sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của nước ta.
Thay đổi mạnh mẽTheo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ngành lúa gạo phải phấn đấu để chất lượng hạt gạo tương đương với Thái Lan nhưng giá phải rẻ hơn họ thì mới cạnh tranh xuất khẩu được.
Trước mắt, nhằm gỡ nút thắt xuất khẩu, theo ông Trần Mạnh Báo, cần bỏ giấy phép xin xuất khẩu gạo, để doanh nghiệp mạnh dạn tìm thị trường, tìm đầu ra cho hạt gạo.
“Cần đơn giản hóa thủ tục cho các DN xuất khẩu lúa gạo, tránh tình trạng trói buộc dẫn tới quyền lợi chỉ tập trung ở một số DN lớn như hiện nay", TS Trần Văn Khởi đề nghị.
Về lâu dài, theo Viện Chiến lượng và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), lúa gạo vẫn là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo” để trình lên Chính phủ, theo đó cần phải có quy hoạch mang tầm quốc gia và xây dựng bản đồ vùng lúa, trong đó xác định rõ vùng trồng lúa phục vụ xuất khẩu chủ yếu là khu vực ĐBSCL, vùng phục vụ tiêu dùng trong nước từ miền Trung trở ra. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất lúa, hướng mạnh vào xây dựng bộ giống chất lượng cao, mang thương hiệu riêng của Việt Nam, tạo ra lợi nhuận 30% cho nông dân như Chính phủ đề ra.
Cùng quan điểm này, TS Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện IPSARD cho biết, để sản xuất ra một kg gạo thì người nông dân phải bỏ ra tới 83% chi phí, trong khi đó chỉ được hưởng lợi 53% trong số lợi nhuận thu được. Còn những thành phần khác như doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái… chỉ bỏ ra 17% chi phí nhưng được hưởng lợi tới 47%. Đây rõ ràng là một nghịch lý, cần giải quyết nút thắt này để đảm bảo nông dân được lãi 30% như yêu cầu đề ra của Chính phủ.
Ngoài ra, TS Trần Văn Khởi cho rằng: “Hiện nay, nông dân trồng lúa đang rất thiếu kiến thức thị trường. Do đó, cần tập trung nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa cho người trồng lúa. Đồng thời xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và DN, giữa các DN với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.