Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội trong chiều 5/9, hàng hóa khá dồi dào, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua sắm. Tại siêu thị Mega Market Hoàng Mai, khách hàng vào siêu thị đều phải khai báo y tế, sát khuẩn tay và đo nhiệt độ.
Lượng khách đến mua hàng khá đông do là ngày nghỉ và cuối tuần. Các mặt hàng rau, củ, hoa quả, thịt, cá... vẫn được cung ứng đầy đủ và đầy ắp các gian hàng. Tuy nhiên, khách hàng thường mua thực phẩm đủ dùng cho 3-4 ngày, nên mặt hàng thịt lợn, thịt bò trên kệ tại siêu thị có thời điểm khá thưa thớt, riêng mặt hàng hải sản vẫn dồi dào.
Tại Vinmart Bạch Mai lúc 17 giờ, nhân viên siêu thị cho biết, lượng khách đến mua trong ngày 5/9 tăng 30% so với những ngày trước, nhưng không quá dồn vào cùng các thời điểm.
Tại Vinmart+ Trương Định quy định: Khách hàng chỉ được 5 người vào/lượt. Trước khi vào phải khai báo thông tin cá nhân. Tại Siêu thị Ngõ 77 Đặng Xuân Bảng, Đại Kim, Hoàng Mai, đồ thực phẩm sống được người dân lựa chọn mua nhiều.
Đại diện hệ thống siêu thị Vinmart, BRG Market, Hapro Mart… cho biết, trong những ngày qua, hệ thống siêu thị không ghi nhận tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm tích trữ. Lượng khách đến siêu thị vẫn duy trì ổn định.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc BRG Retail (thuộc Tập đoàn BRG) cho biết, những ngày qua hệ thống siêu thị BRG Market, Hapro Mart lượng khách đến mua hàng ổn định, không tăng đột biến. Trước thời điểm ngày 6/9, hệ thống siêu thị đã tích trữ tại các điểm bán, siêu thị lên gấp 3 lần và tập kết hàng tiêu dùng thiết yếu ở tổng kho tại Hà Nội tăng 5 lần. Đối với mặt hàng tươi sống như rau, củ, thịt, cá... các siêu thị đã đặt hàng tăng gấp 2 lần để dự phòng cho 1-2 ngày tới.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã lên phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa cho 3 phân vùng phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới.
Theo Sở Công Thương, Hà Nội có mạng lưới phân phối gồm 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu. Các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động là 2.500 địa điểm; các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm gồm 210 đơn vị; các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm có 52 đơn vị, 606 cửa hàng gas, 480 cửa hàng xăng dầu… sẵn sàng cung ứng, phân phối hàng hoá cho người dân.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online trực tuyến, với 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Nguồn cung hàng hóa dựa trên 2 nguồn gồm sản xuất trên địa bàn thành phố và nguồn kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đối với nguồn cung từ các tỉnh, thành phố, gồm 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.
"Trong những ngày đầu thực hiện phát giấy đi đường vào các vùng 1-2-3, nhiều hệ thống siêu thị lo ngại xe chở thực phẩm tươi sống không vào được các phân vùng do thời điểm hiện tại chưa bố trí được giấy đi đường, nhưng hầu hết các siêu thị đều vận chuyển bằng xe luồng xanh, những xe này sẽ vẫn được vận chuyển hàng hóa vào hệ thống các siêu thị bình thường. Sở Công Thương đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân và trong quá trình thực hiện, có khó khăn ở đâu thì sẽ tháo gỡ ở đó", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.