Các lĩnh vực cụ thể thành phố ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường. Các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao, người lao động có mức lương cao hơn và được phát triển kỹ năng như: dịch vụ công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe, logistic; trung tâm tài chính; trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); trung tâm công nghệ của quốc gia và khu vực
Theo đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục xúc tiến, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan rà soát quỹ đất và lập kế hoạch thu hút các dự án lớn. Việc làm này nhằm hoàn thành kế hoạch thu hút FDI năm 2019 bằng hoặc vượt năm 2018 (trên 7,5 tỷ USD). Các cán bộ được phân công theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm đưa dự án vào triển khai.
Thành phố xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua hội nghị, gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn; thúc đẩy mở rộng đầu tư kinh doanh, nâng tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, môi trường thu hút đầu tư vào thành phố ngày càng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng năm 2019, Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài đạt 4,75 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm dự án Tổ hợp vui chơi, giải trí đa năng - Trường đua ngựa với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD, hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Quyết định chủ trương đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 194/TB-VPCP ngày 20/5/2019. Dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư sẽ góp phần nâng thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt 5,3 tỷ USD.