Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, những ngày lễ, tháng cuối năm 2021, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra như dịch COVID-19.
Theo đó, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu tham gia chương trình gồm: gạo, mì, phở khô..., thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa, mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát; các nhóm hàng thiết yếu phòng, chống dịch COVID-19 như khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn.
Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng gạo khoảng 96.300 tấn/tháng; thịt lợn khoảng 19.260 tấn lợn hơi/tháng; thịt gà, vịt khoảng 6.420 tấn thịt/tháng; thủy, hải sản tươi đông lạnh khoảng 5.350 tấn/tháng; thực phẩm chế biến khoảng 5.350 tấn/tháng; dầu ăn khoảng 6,4 triệu lít/tháng; rau, củ các loại khoảng 107.000 tấn/tháng; trứng gia cầm khoảng 128,4 triệu quả/tháng; sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là 20,54 triệu lít/tháng; bánh mứt kẹo Tết khoảng 1.500 tấn; rượu, bia, nước giải khát trong dịp Tết khoảng 200 triệu lít.
Đối với khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vải, nhu cầu tiêu dùng khẩu trang kháng khuẩn là 45 triệu chiếc/tháng; nước sát khuẩn tay 1,5 triệu lít/tháng, tương đương 18 triệu lít/năm.
Hàng hóa tham gia chương trình phải bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá.
Các đơn vị tham gia chương trình sẽ được xét hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh, vay vốn lãi suất ưu đãi; ưu tiên đưa hàng hóa vào bếp ăn tập thể trong trường học, bệnh viện, các điểm bán hàng trên địa bàn thành phố...
UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành, dự báo thông tin tình hình thị trường, giá cả nông sản hàng tháng hoặc theo mùa vụ để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra. Thành phố cũng mở rộng đối tượng tham gia chương trình là doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để bảo đảm được nguồn cung ứng từ bên ngoài thành phố.
Cùng với đó, thành phố tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại để tăng các điểm phục vụ cố định trên địa bàn, nhất là vùng ngoại thành. Cùng đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống chuỗi, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn; phát triển bán hàng online; liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh khai thác hàng hóa, chủ động nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân.