Tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, thủ phủ cà rốt của Hải Dương, không khí sản xuất đang rất nhộn nhịp và tất bật. Các xưởng sơ chế, đóng gói đã hoạt động từ mùng 3 Tết. Trên những tuyến đường chính ở xã, các tải đựng cà rốt xếp hàng dài để chờ sơ chế.
Trong cơ sở sơ chế và bảo quản nông sản do Hàn Quốc tài trợ cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, hàng chục lao động đang thoăn thoắt phân loại, đóng hàng. Công suất xưởng khoảng 100 tấn/ngày.
Chị Trần Thị Huyên, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết, mặc dù thời điểm này cà rốt Hải Dương đang phải cạnh tranh với cà rốt Trung Quốc, giá xuất khẩu không được cao nhưng các doanh nghiệp vẫn tự tin vì chất lượng của sản phẩm đã được khẳng định.
“Chúng tôi đang thu mua giá 5.000 đồng/kg. Năm nay, cà rốt của Đức Chính tiếp tục được khách hàng ở thị trường xuất khẩu đánh giá cao. Mỗi ngày, trung bình chúng tôi xuất xưởng khoảng trên 50 tấn hàng đi: Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Saudi Arabia, Thái Lan”, chị Huyên chia sẻ. Cơ sở này cũng phản ánh: “Kho lạnh hiện nay chỉ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu bảo quản cà rốt nên chúng tôi rất mong được tạo điều kiện mở rộng diện tích kho”.
Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, xã có 360 ha cà rốt và năng suất khoảng 41 - 42 tấn/ha. Hiện xã có 6 cơ sở thu mua, sơ chế và xuất khẩu cà rốt. Sau khi sơ chế, cà rốt có giá khoảng 7.000 đồng/kg. Các cơ sở đều đang tập trung làm hàng xuất khẩu đi chủ yếu các nước: Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Đông, Campuchia, Lào, Thái Lan.
Chất lượng cà rốt Đức Chính đã được khẳng định trên thị trường nhưng khâu tiêu thụ vẫn là điều lo ngại, nhất là trong bối cảnh năm nay sản lượng cà rốt tăng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính cho biết, xã đã giao cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính thường xuyên theo sát việc tiêu thụ cà rốt. Cấp ủy chính quyền đã kết nối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ.
Thời gian tới, xã sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại cà rốt để việc tiêu thụ đạt kết quả tốt nhất. Xã mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương tăng cường hỗ trợ khâu kết nối tiêu thụ, giới thiệu các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà rốt, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc.
Xác định cà rốt vẫn là cây trồng chính của tỉnh Hải Dương mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân nên ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp Hải Dương đã tích cực vào cuộc chỉ đạo sản xuất, tìm hiểu thị trường. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu cà rốt và các hợp tác xã, đặc biệt là tìm hiểu các thị trường nhập khẩu cà rốt Hải Dương để chỉ đạo sản xuất tốt hơn.
Trước việc Hàn Quốc tiếp tục cảnh báo về tuyến trùng gây hại trên các cây trồng có củ và hạn chế nhập khẩu cà rốt vào cuối năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã đánh giá và khẳng định tuyến trùng này chưa có trong cà rốt của Hải Dương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những đàm phán với phía Hàn Quốc.
“Đến đầu tháng 1/2023, thị trường Hàn Quốc đã mở cửa trở lại với cà rốt Việt Nam, rất kịp thời với vụ thu hoạch cà rốt của Hải Dương. Vì thế, tới thời điểm này có thể thấy đầu ra cho cà rốt đang tương đối thuận lợi. Các thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn tiêu thụ tốt. Các công hàng đã cập cảng ở các thị trường đều đảm bảo chất lượng. Đây là tín hiệu rất mừng cho cà rốt Hải Dương”, bà Kiểm chia sẻ.
Để đảm bảo chất lượng cà rốt xuất khẩu, ngành nông nghiệp chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ đối với tuyến trùng gây hại và các đối tượng kiểm dịch của các nước nhập khẩu cảnh báo, cấp mã số vùng trồng và kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Lãnh đạo ngành nông nghiệp Hải Dương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi thu mua, phân loại, đóng gói phải đảm bảo chất lượng để giữ uy tín cho cà rốt của Hải Dương trong quá trình chinh phục các thị trường quốc tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha cà rốt sản xuất chuyên canh tập trung, áp dụng quy trình tiên tiến trong bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tưới nước; 300 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản lượng khoảng 80 nghìn tấn. Cà rốt trong tỉnh chủ yếu được thu mua về huyện Cẩm Giàng để sơ chế, bảo quản, chế biến; trong đó, 20% sản lượng tiêu thụ ở miền Trung, miền Nam và khoảng 80% sản lượng xuất khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Đông, EU…